Phát triển nhà ở xã hội: Chính sách về đất đai đóng vai trò quan trọng
(Xây dựng) – Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có việc quy hoạch, bố trí quỹ đất hay miễn tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại các khu đô thị, khu công nghiệp cho những đối tượng thu nhập thấp.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quản lý quan trọng trong việc triển khai các dự án NƠXH. |
Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cho phát triển NƠXH
Thực hiện Luật Đất đai, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành và Bộ chuyên ngành cũng đã có nhiều Thông tư thuộc thẩm quyển để triển khai thực hiện. Luật Đất đai đã quy định nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Quy hoạch sử dụng đất được triển khai thực hiện tại 03 cấp hành chính là Trung ương, tỉnh, huyện; kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là cơ sở duy nhất để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xác định là công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có việc bố trí quỹ đất cho các khu đô thị, khu công nghiệp, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp…
Có thể nói, thông qua quy hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đồng thời là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, phân bổ và chủ động dành quỹ đất hợp lý cho phát triển, đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, các khu dân cư, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp…
Đây cũng được coi là công cụ mạnh mẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị – xã hội của cả nước và các địa phương.
Tuy nhiên, trong Luật Đất đai lại không có quy định việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất riêng cho mục đích phát triển nhà ở xã hội. Liên quan đến NƠXH sẽ thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về nhà ở; quỹ đất dành để xây dựng nhà ở thu nhập thấp để bán thường được bố trí trong quy hoạch các dự án phát triển đô thị của địa phương.
Trong những năm gần đây, các địa phương đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở đô thị, nông thôn với hơn 20 nghìn ha (trong đó có bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội), phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với hơn 15 nghìn ha, xây dựng kết cấu hạ tầng gần 30 nghìn ha.
Đồng thời đưa gần 1.000ha đất chưa sử dụng vào phục vụ các mục đích phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nhà cho đối tượng thu nhập thấp tập trung tại các thành phố lớn như: Hà Nội có Khu NƠXH tại Đặng Xá (huyện Gia Lâm), khu NƠXH tại Linh Đàm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có Khu dân cư xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; Khu NƠXH tại chợ Bình Phú cũ (Quận 6), Khu NƠXH Hưng Phát (Quận 8)…
Để tiếp tục bố trí quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nhu cầu NƠXH cho những người có thu nhập thấp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia để bố trí đủ chỉ tiêu nhằm đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng được triển khai đồng bộ khi thực hiện dự án, trong đó có dành quỹ đất cho nhu cầu về nhà ở xã hội.
Chính sách mới là “trợ lực” quan trọng
Mới đây, ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định cụ thể hơn về sử dụng đất thực hiện dự án NƠXH tạo nền tảng quan trọng và đồng bộ trong với hệ thống pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động.
Đó là dự án NƠXH thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (khoản 21 Điều 79); được giao đất, cho thuê không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (khoản 1 Điều 124) và được giao đất có thu tiền sử dụng đất (khoản 2, Điều 119) nhưng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (điểm b, khoản 1, Điều 157). Đối với trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn (khoản 3 Điều 157).
Ngoài ra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu phân bổ đất ở cho từng địa phương, trong đó có một phần quỹ đất ở dành cho nhà ở xã hội, địa phương sẽ có trách nhiệm thực hiện tùy theo mục đích sử dụng đất.
Ngay trong sáng nay (22/02), tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” năm 2024 do Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có đề xuất, kiến nghị quan trọng để phát triển nhà ở xã hội.
Theo đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần thiết phải nâng cao trách nhiệm của UBND các địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung các quy định cho phép địa phương sử dụng một phần tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho các dự án NƠXH ở trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng, hoàn thiện các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp trong quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.
Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị phải xác định cụ thể diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, nhất là đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở thương mại với tỷ lệ hợp lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130 nghìn căn NƠXH. |
Việc quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề phải gắn với quy hoạch phát triển nhà ở cho người lao động, nhà ở cho giáo viên, học sinh, sinh viên. Công tác thanh tra, kiểm tra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được chú trọng đảm bảo các dự án phát triển NƠXH trong các dự án phát triển nhà ở thương mại được triển khai đúng mục đích.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; việc sử dụng quỹ đất xây dựng NƠXH tại các dự án phát triển đô thị của địa phương, đảm bảo việc triển khai các dự án đúng kế hoạch, tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản trong tương lai.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Thủ tướng đã giao trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. |
Nguồn: Báo xây dựng