Phát triển nhà ở theo dự án để quản lý xây dựng theo quy hoạch
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) cho rằng, Khoản 4, Điều 7 của dự thảo quy định: “Đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường. Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. Tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt; đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư”.
Đại biểu Lại Thế Nguyên- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa điều hành và phát biểu phiên thảo luận tại Tổ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6 (Ảnh: QH) |
Tại khoản này, đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị bổ sung thêm ý “khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án” vào sau đoạn: “Đối với các khu vực còn lại thì cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án; khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án ở khu vực nông thôn, đồng bằng, ven biển”. Theo đại biểu Nguyên, quy định như vậy để tiết kiệm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp, khi nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi đất sản xuất càng thu hẹp ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, phát triển nhà ở theo dự án để quản lý xây dựng theo quy hoạch, xây dựng nông thôn mới ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại hướng đến là đô thị.
Cũng theo đại biểu Lại Thế Nguyên, khoản này, dự thảo cũng quy định “Tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt; đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư”, đề nghị cần quy định “đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1, đô thị loại 2, thì chủ yếu phát triển nhà chung cư”, chứ không phải chỉ khu vực nội thị của đô thị loại đặc biệt và loại 1 như dự thảo quy định, cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Về Khoản 4, Điều 14 quy định: “Trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở với người mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở hoặc kể từ thời điểm bên mua thanh toán đủ tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư”. Đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị bổ sung thêm ý: “Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản”. Lý do: Theo dự thảo Luật kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư chỉ được thu tiền của bên mua không vượt quá 95% giá trị hợp đồng khi người mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác. Do đó, cần tính toán để dự thảo luật nhà ở và dự thảo luật kinh doanh bất động sản không mâu thuẫn, chồng chéo nhau, dẫn đến khó áp dụng khi ban hành. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ Khoản 4, Điều 37 để thực hiện đồng bộ và không bị chồng chéo với Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật đấu giá, Luật đầu tư…
Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo luật, song đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “khu vực đô thị” và “khu vực nông thôn”. Đặc biệt, cần làm rõ việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp thì nguồn vốn xây dựng từ đâu? Đồng thời, nên thêm quy định, ngoài việc bán nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thì cần thêm hình thức cho thuê.
Đồng quan điểm này, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị Ban soạn thảo sửa Khoản 6 Điều 73 của dự thảo Luật theo hướng làm thế nào tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được với nhà ở xã hội. Đồng thời, đề nghị cần bổ sung quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội tại khoản 2 Điều 82 của dự thảo Luật…
Đáng chú ý cũng tại phiên thảo luận ở các tổ, một số đại biểu cũng chỉ ra bất cập liên quan đến đối tượng mua nhà ở xã hội. Các đại biểu cho rằng, người lao động có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên đã phải thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân (chưa tính đến miễn trừ gia cảnh). Với mức thu nhập đó, nếu sống ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… chưa đủ trang trải cuộc sống trong bối cảnh giá cả liên tục leo thang, biết đến bao giờ có đủ tiền tích lũy mua được nhà. Do đó, dự thảo Luật cần nâng mức trần khống chế để những người có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại các đô thị lớn từ 10 đến 15 triệu đồng hoặc dưới 20 triệu đồng/tháng cũng phải được tiếp cận nhà ở xã hội.
Nguồn: Báo lao động thủ đô