Phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn hóa ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tiêu chuẩn có mặt trong mọi mặt đời sống, trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, vận hành sản xuất, thử nghiệm, quản lý chất lượng; hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Vì vậy, để triển khai chất lượng và hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa ở các cấp từ cơ sở, quốc gia, khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào công tác tiêu chuẩn hóa là vấn đề cần được đặc biệt chú trọng. Chúng ta cần xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia đủ năng lực, am hiểu quy định nghiệp vụ cũng như các kỹ năng cần thiết trong tiêu chuẩn hóa. Muốn làm được điều này, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực về nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần được quan tâm thỏa đáng.
Theo Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế, trong tháng 2 và tháng 3/2023, Viện đã tổ chức 2 khóa đào tạo cho thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 3 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm củng cố kỹ năng, nghiệp vụ để tham gia tích cực, hiệu quả vào hoạt động tiêu chuẩn hóa cơ sở, quốc gia, khu vực và quốc tế. Tổng số đã có hơn 190 cán bộ đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tham dự và hoàn thành các khóa đào tạo.
Một mặt các khóa đào tạo trực tiếp bổ sung cho cán bộ tiêu chuẩn hóa những kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ, phục vụ cho hoạt động tiêu chuẩn hóa ngày một hiệu quả hơn. Mặt khác, các khóa đào tạo là nơi các thành viên Ban kỹ thuật và cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành, địa phương có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia, trao đổi về các tình huống gặp phải, hướng xử lý, khắc phục các khó khăn trong thực tiễn triển khai công việc.
Về phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa, ngay tại Dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu của Chiến lược là tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội; Phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn; Nâng cao vị thế của Việt Nam trên các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế. Điều này cho thấy tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Chính phủ.
Thanh Tùng