Phát triển nguồn lao động chất lượng và dồi dào cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam
Giá trị thương mại của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới. Lĩnh vực sản xuất đáng tin cậy và ngày càng hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở mức cao cùng sự hậu thuẫn từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là những yếu tố giúp doanh nghiệp Việt Nam sở hữu khả năng tiếp cận cơ hội thương mại tại các thị trường quốc tế lớn hơn bao giờ hết.
Theo dữ liệu từ nghiên cứu “Khai thông tuyến đường thương mại nội Á” của UPS, giá trị giao thương giữa Việt Nam với khu vực nội Á đã tăng gấp đôi từ 2% năm 2011 lên 4% năm 2020. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giá trị thương mại của Việt Nam với 11 thị trường trọng điểm châu Á có thể tăng hơn 40% từ 326 tỷ USD lên 465 tỷ USD vào năm 2030.
Thông tin từ công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam cũng dự báo rằng quy mô ngành dịch vụ logistics dự kiến sẽ đạt 80 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 15 – 20% mỗi năm. Các số liệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, và ngành logistics – lĩnh vực then chốt giúp thúc đẩy nền kinh tế, cũng cần bắt kịp tiến độ này.
Để nắm lấy cơ hội phát triển trong tương lai, Việt Nam cần giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hậu cần. Theo ước tính của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng lao động hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nhân lực của ngành. Dự báo của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho biết, đến năm 2030, ngành hậu cần sẽ cần khoảng 200.000 lao động lành nghề để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Số nhân viên được đào tạo bài bản, có kỹ năng, trình độ chuyên môn và thông thạo ngoại ngữ chỉ chiếm khoảng 6% tổng số lao động, và có tới 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải trực tiếp đào tạo nhân sự thông qua công việc thực tế. Điều này làm cho nhu cầu đào tạo và giữ chân nhân tài của các công ty logistics trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cách để doanh nghiệp logistics xây dựng và duy trì nguồn lao động chất lượng cao
Điều đầu tiên cần chú trọng là tạo ra một môi trường làm việc tốt với lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tăng cường kết nối với các tổ chức giáo dục thông qua các chương trình liên kết đào tạo, thực tập để đảm bảo thị trường có đủ nguồn nhân sự được đào tạo bài bản, nhằm đáp ứng tốt với các thay đổi của ngành.
Đơn cử như tại UPS, chế độ phúc lợi của nhân viên được xây dựng dựa trên các yếu tố về sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính, hướng tới việc tạo nên môi trường làm việc lành mạnh với nhiều cơ hội học hỏi và phát triển. Bên cạnh các phúc lợi cơ bản như bảo hiểm y tế và khám sức khỏe định kỳ, UPS còn có chương trình giúp các nhân viên và gia đình của họ được tư vấn và hỗ trợ miễn phí về những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần.
Công ty cũng cung cấp các khóa đào tạo, công cụ và nguồn lực cần thiết để nhân viên học tập và phát triển bản thân. Ngoài ra, UPS cũng đầu tư các khoản trợ cấp giáo dục giúp nhân viên trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc phát triển sự nghiệp. Tính đến nay, 50% nhân viên của UPS Việt Nam đã gắn bó với công ty hơn 5 năm và gần 80% các vị trí cấp quản lý được đề bạt thăng chức từ đội ngũ nhân viên nội bộ.
Ngoài ra, UPS cũng tích cực thúc đẩy đa dạng, bình đẳng và hòa nhập tại nơi làm việc, đơn cử như đảm bảo quyền bình đẳng và cơ hội thăng tiến cho nhân viên nữ, đặc biệt là ở các vị trí lãnh đạo. Hiện 55% các nhân sự ở cấp quản lý tại UPS Việt Nam là phụ nữ.
“UPS đã và đang phục vụ các khách hàng và cộng đồng trên khắp thế giới trong hơn một thế kỷ qua – chúng tôi hiểu tầm quan trọng của yếu tố con người đối với thành công của công ty. Đầu tư vào con người chính là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, cũng như góp phần xây dựng lực lượng lao động dồi dào, chất lượng cao cho ngành logistics.” Ông Squall Wang, giám đốc điều hành UPS Việt Nam cho biết.
Kiến thức là sức mạnh
UPS hiện đang duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với hai trường đại học hàng đầu của Việt Nam để tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hướng nghiệp cũng như các buổi chia sẻ kiến thức cho sinh viên chuyên ngành thương mại và hậu cần. Công ty cũng tổ chức các buổi hội thảo với sinh viên đến từ Hoa Kỳ để chia sẻ thông tin và giúp sinh viên hiểu hơn về ngành logistics tại Việt Nam.
Cuối năm 2022, UPS đã phối hợp với các trường đối tác để tổ chức hai cuộc thi “GLogistics” và “Đấu trường Logistics Arena” với sự tham gia của 200 sinh viên từ hơn 20 trường đại học tại Việt Nam. Hai cuộc thi mang đến cơ hội mở rộng tầm nhìn, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Ông Tô Hoàng Thịnh, Giám đốc nhân sự UPS Việt Nam cho biết: “Tại UPS, chúng tôi cam kết hỗ trợ nhân viên và các thế hệ nhân sự tương lai của ngành logistics có cơ hội phát triển tốt hơn. Điều đó cũng góp phần củng cố hệ sinh thái ngành hậu cần tại Việt Nam, cho phép doanh nghiệp và cả nền kinh tế nắm bắt những cơ hội phát triển trong tương lai.”
Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng với cương vị một trung tâm sản xuất và thương mại quan trọng trong khu vực, và để tiếp tục duy trì sự phát triển thì việc xây dựng ngành logistics linh hoạt và hiệu quả là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này chỉ có thể đạt được khi tất cả các đơn vị trong hệ sinh thái logistics cùng nỗ lực đầu tư vào yếu tố con người bên cạnh các tác nhân khác.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu