Phát triển năng lượng tái tạo: ‘Gỡ vướng cho gió phát điện’

“Tiềm năng lớn nhưng rào cản không hề nhỏ”

Theo đánh giá, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia hiện chiếm 84% tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam dẫn đầu về năng lượng tái tạo với 34% thị phần, tiếp theo là Thái Lan (17%), Indonesia (13%), Malaysia (10%) và Philippines (10%).

Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với hơn 13GW điện tái tạo trong 5 năm tới, trong đó điện mặt trời và thủy điện dự kiến sẽ hỗ trợ phần lớn quá trình chuyển đổi này với khoảng 70% thị phần của công suất điện tái tạo được xây dựng trong giai đoạn 2020-2025. Theo sau là điện gió với khoảng 17% thị phần và năng lượng sinh học với khoảng 11%.

Các chuyên gia trong hổi thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và Chuỗi cung ứng do GIZ và Viện Năng lượng tổ chức. Ảnh H. Anh

 Các chuyên gia trong hội thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và Chuỗi cung ứng do GIZ và Viện Năng lượng tổ chức. Ảnh H. Anh

Tiến sĩ Nguyễn Thăng Long – Điều phối viên giữa Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, nguồn năng lượng gió ở nước ta có thể đạt công suất lắp đặt 24GW/năm. Sản xuất điện nhiệt có công suất tương đối nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu dân sinh. Nếu khai thác tối đa, Việt Nam có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, không còn bị phụ thuộc vào nhập khẩu điện từ nước ngoài và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thế nhưng phát triển điện gió hiện đang gặp không ít các giào cản. Một là, các rào cản đến từ công nghệ và giá thành đầu tư. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các dự án năng lượng tái tạo đều cần nguồn vốn rất lớn. Rủi ro trong quá trình hoạt động như phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên không thể dự đoán trước được khiến cho các nguồn cấp vốn e ngại. Nếu không có sự hỗ trợ, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thu xếp vốn.

Bà Maya Malik – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn cho biết, hiện nay các công nghệ, thiết bị cho dự án điện gió đầu tư ở Việt Nam hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các trang thiết bị này vận chuyển về Việt Nam không hề dễ dàng và chi phí khá lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm.

Hai là rào cản về hạ tầng. Do đặc thù của điện gió khi vận chuyển trang thiết bị siêu trường, siêu trọng cần có hạ tầng phù hợp, trong khi không phải tuyến đường nào của Việt Nam cũng có thể đáp ứng được yêu cầu này. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư dự án cũng phải tính tới việc làm đường giao thông, bồi thường giải phóng mặt bằng cho phương tiện vận chuyển. Đây là một hạn chế khiến cho giá thành đầu tư của doanh nghiệp bị đội lên.

Ba là rào cản về hạ tầng lưới điện, truyền tải điện nhiều nơi chưa đáp ứng được năng lực đầu tư và công suất của các dự án điện gió. Theo bà Hương Trần, Giám đốc thương mại Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư điện gió. Các dự án điện gió thường ở những nơi có phụ tải thấp. Muốn nối lưới cần rất nhiều thời gian để xây dựng đường dây truyền tải. Đồng thời, việc bồi thường giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian, chi phí nên ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nguồn cấp vốn.

Bốn là rào cản về chính sách với dự án điện gió ngoài khơi, xa bờ chưa cụ thể. Trong khi hàng loạt các dự án điện gió đang được triển khai hoặc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, các trang trại gió và dự án gần bờ đã có các cơ chế chính sách cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, đối với các dự án ngoài khơi và xa bờ lại chưa rõ ràng.

TS. Nguyễn Xuân Huy – Trường Đại học Bách Khoa – Đại học quốc gia Tp. HCM cho biết, hàng loạt dự án điện gió gần bờ, cách bờ từ 10-15 km ở Việt Nam đã được phê duyệt và đang triển khai xây dựng. Nhưng để thực hiện phát triển dự án điện gió ngoài khơi phải thi công ở mực nước sâu và xa bờ hơn khá phức tạp với chi phí triển khai rất lớn.

“Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kW). Tuy nhiên, giá FIT này đang áp dụng chung cho một biểu giá bán đối với điện gió gần bờ và ngoài khơi. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chịu nhiều thiệt thòi” –  TS. Nguyễn Xuân Huy nhận định và cho rằng cần có cơ chế đặc thù để áp dụng cho mục tiêu phát triển trang trại điện gió ngoài khơi.

Cần cơ chế đặc thù cho điện gió

Theo TSKH. Trần Kỳ Phúc – Viện trưởng Viện Năng lượng, trong Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Năng lượng cũng đã có những nghiên cứu sâu về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại những vùng biển cách bờ khoảng 15 – 100km. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí hiện nay đang ngày càng cạn kiệt, thì việc đặt ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện gió, điện gió ngoài khơi nói riêng là một lựa chọn khả khi về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

 

 Vận chuyển thiết bị điện gió cần các phương tiện siêu trường, siêu trọng, chi phí lớn… là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: Kha Huynh

 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.
 

Theo bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, điện gió ngoài khơi – Đại sứ quán Đan Mạch, để có thể phát triển điện gió ngoài khơi tương xứng với tiềm năng dồi dào sẵn có của Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ, chính sách đặc biệt là cơ chế đấu thầu sau khi cơ chế giá ưu đãi cho điện gió kết thúc cần được quan tâm. Ngoài ra, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu công suất rõ ràng, phân bổ công suất hợp lý và hệ thống truyền tải đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm thúc đẩy sự phát triển của điện gió ngoài khơi để có thể tận dụng được những lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại.

Bà Camilla Holbech nhấn mạnh rằng, cơ chế đấu thầu rõ ràng và minh bạch là một trong những mối quan tâm lớn của World Bank khi tổ chức quốc tế này đang có kế hoạch hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương xây dựng cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió và mặt trời.

Còn theo ông Henri Wasnick, Cố vấn cao cấp về Năng lượng tái tạo tại Viện Năng lượng: “Điện gió ngoài khơi có tiềm năng đóng vai trò chính yếu trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu phát thải CO2, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế – xã hội. Một chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ mang đến cơ hội lớn để giảm giá thành năng lượng và phát triển nền công nghiệp tự chủ cho một số lĩnh vực chuyên biệt. Tiềm năng này cần được chú trọng phát triển sâu rộng, nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng trong nước và tận dụng kinh nghiệm cũng như các nguồn lực quốc tế”.

Theo các chuyên gia, cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học,… năng lượng gió có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu kép, vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính và đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững với giá thành phải chăng. Các dự án năng lượng gió được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, đòi hỏi sự nâng cấp trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics cho các dự án điện gió nói chung, và các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng. Điều này giúp hạn chế trì hoãn khi triển khai dự án và hoạch định lộ trình dự án hiệu quả hơn. Việc tận dụng những giá trị gia tăng trong nước, song hành với việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, sẽ hỗ trợ phát triển thị trường năng lượng Việt Nam.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điện gió ngoài khơi là một giải pháp đột phá. Công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 dự kiến đạt từ 3 đến 5GW, giai đoạn đến năm 2045 kỳ vọng đạt 20GW và có thể cao hơn nếu loại hình nguồn điện này cạnh tranh được về giá cả hoặc xảy ra chậm tiến độ đối với các dự án nguồn nhiệt điện truyền thống như LNG, khí nội địa,…Trong quá trình quy hoạch, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn cũng như các nhà đầu tư đang gặp một số khó khăn trong công tác lên kế hoạch, xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị, kỹ thuật và các dịch vụ logistics để thực hiện dự án” – TSKH Trần Kỳ Phúc phân tích.

Nguyễn Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích