Phát triển mô hình thu hơi nước từ đại dương để cung cấp nước sạch quy mô lớn
Khan hiếm nước là vấn đề đang diễn ra và được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu khiến các khu vực khô hạn càng khô hạn hơn. Các đại dương, nơi chứa hơn 96% lượng nước trên Trái đất, đại diện cho một hồ chứa tiềm năng khổng lồ, nhưng quá trình khử muối là triển vọng khó mở rộng do nước thải độc hại mà nó tạo ra.
Nhưng thiên nhiên đã có sẵn hệ thống khử muối khá hiệu quả – Mặt trời liên tục làm nóng bề mặt đại dương và làm nước bốc hơi khỏi đó, tất nhiên sẽ trở thành mưa. Trong một nghiên cứu mới, nhóm UIUC đã nghĩ ra phương pháp để có thể khai thác nguồn tài nguyên này.
Nhóm nghiên cứu đề xuất các cấu trúc có thể được xây dựng ngoài khơi vài km để thu giữ không khí giàu hơi nước từ trên bề mặt đại dương. Không khí sau đó có thể được đưa trở lại đất liền và ngưng tụ trong một đơn vị khác. Nước ngọt này sau đó có thể được sử dụng để uống, nông nghiệp hoặc bất cứ thứ gì khác mà một khu vực cần. Theo các nhà khoa học, toàn bộ hệ thống có thể được cung cấp bởi các trang trại gió ngoài khơi và các tấm pin mặt trời trên đất liền.
Hệ thống giả thuyết mới có thể thu hoạch hơi nước tự nhiên từ trên đại dương để cung cấp nước uống cho các thành phố ven biển.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá 14 thành phố trên khắp thế giới, bao gồm Abu Dhabi, Rome, Los Angeles và Barcelona, phân tích lượng nước có thể được khai thác khả thi dựa trên bầu khí quyển ngoài khơi ở những địa điểm đó. Điều này sẽ liên quan đến việc xây dựng các cấu trúc chiết xuất hơi nước cao 100 m (328 ft) và rộng 210 m (690 ft).
Dựa trên mô hình của họ, các nhà khoa học nhận thấy thiết bị này có thể tạo ra từ 37,6 tỷ đến 78,3 tỷ lít nước mỗi năm, tùy thuộc vào điều kiện ở địa điểm cụ thể. Sau đó, nhóm đã tính toán cần bao nhiêu cấu trúc để cung cấp đủ nước cho người dân của mỗi thành phố, dựa trên mức sử dụng giả định là 300 lít nước mỗi người mỗi ngày. Từ đó, chỉ cần hai hoặc nhiều nhất là 10 đơn vị có thể cung cấp đủ nước để phục vụ một thành phố.
Nhóm nghiên cứu cho biết giải pháp này khá tinh tế vì về cơ bản nó hoạt động giống như vòng tuần hoàn nước tự nhiên ngoại trừ việc hơi nước được dẫn đến nơi cần thiết. Và trong khi nhiều nguồn nước uống được đề xuất có thể trở nên kém khả thi hơn khi biến đổi khí hậu diễn ra, thì nguồn nước này thực sự sẽ trở nên tốt hơn.
Ông Afeefa Rahman, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Các dự báo về khí hậu cho thấy dòng hơi nước trong đại dương sẽ chỉ tăng theo thời gian, thậm chí còn cung cấp nhiều nước ngọt hơn. Vì vậy, ý tưởng mà chúng tôi đang đề xuất sẽ khả thi trong điều kiện biến đổi khí hậu. Điều này cung cấp cách tiếp cận rất cần thiết và hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với những người dân dễ bị tổn thương sống ở các vùng khô hạn và bán khô hạn trên thế giới”.
An Hạ