Phát triển loại mật ong có thể sử dụng để chữa trị bệnh nhiễm trùng phổi
Vi khuẩn mycobacterium abscessus thường lây nhiễm vào phổi những người bị xơ nang, giãn phế quản hoặc các bệnh phổi mãn tính khác. Nhiễm trùng gây ra sẹo, mô dày lên hoặc hình thành các hốc trong phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp nếu không được điều trị.
Do thành tế bào dày của vi khuẩn, chúng có khả năng chống lại tác dụng của các loại thuốc kháng sinh hiện có. Do đó, liều lượng lớn thuốc được yêu cầu trong thời gian dài, tạo ra tác dụng phụ khó chịu. Ngay cả sau đó, nhiễm trùng sẽ vẫn tiếp diễn thay vì được loại bỏ hoàn toàn.
Để tìm kiếm giải pháp thay thế hiệu quả hơn, các nhà khoa học từ Đại học Aston của Anh đã tìm đến mật ong Manuka. Mặc dù mật ong nói chung được biết đến với khả năng chữa bệnh từ thời cổ đại, nhưng mật ong Manuka đặc biệt mạnh. Điều này là do cùng với các hóa chất sản xuất hydrogen-peroxide có trong tất cả các loại mật ong, nó cũng chứa một hợp chất kháng khuẩn được gọi là methylglyoxal.
Mật ong Manuka được sản xuất ở Úc và New Zealand bởi những con ong thụ phấn cho cây trà.
Các nhà nghiên cứu đã lấy vi khuẩn mycobacterium abscessus từ 16 bệnh nhân bị nhiễm bệnh và đặt những mẫu đó vào mô hình phổi trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các nhà khoa học đã sử dụng máy phun sương (tạo ra chất lỏng có thể hít vào được phun ra) để tạo hỗn hợp mật ong Manuka và amikacin kháng sinh thường được sử dụng.
Người ta thấy rằng để hỗn hợp tiêu diệt tất cả vi khuẩn, cần phải có liều lượng amikacin chỉ 2 microgam trên mililit. Ngược lại, khi thuốc được sử dụng theo phương pháp truyền thống, liều lượng hiệu quả thông thường là 16 microgam trên mililit.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Bằng cách kết hợp một thành phần hoàn toàn tự nhiên như mật ong Manuka với amikacin, một trong những loại thuốc quan trọng nhưng độc hại nhất được sử dụng để điều trị mycobacterium abscessus, chúng tôi đã tìm ra cách có khả năng tiêu diệt những vi khuẩn này với lượng thuốc ít hơn 8 lần so với trước đây. Điều này có khả năng làm giảm đáng kể tình trạng mất thính lực do amikacin và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người bị xơ nang”.
An Hạ