Phát triển Lào Cai thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước

Nhiều thuận lợi để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Lào Cai là tỉnh biên giới được xem như “phên dậu của Tổ quốc”, với chiều dài đường biên giới trên đất liền hơn 182 km liền với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại của đất nước. Ngoài ra, Lào Cai còn thuộc khu vực 2 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lào Cai – Hà Nội – Lạng Sơn), được xác định là cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.

Phát triển Lào Cai thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn là nơi “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” với các địa danh du lịch nổi tiếng, đã có thương hiệu (như Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà); trong tương lai có 3 cửa khẩu quốc tế lớn (hiện có 1 cửa khẩu quốc tế Kim Thành, có 2 cửa khẩu đang quy hoạch); hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (trong tương lai gần có đường hàng không); giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…); cùng với nền văn hóa đa dạng, có bản sắc riêng, rất độc đáo của 25 dân tộc…

“Lào Cai có điều kiện thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước, nhất là về phát triển năng lượng sạch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa…”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình, với tầm nhìn vượt thời gian và với những nỗ lực, quyết tâm rất lớn nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tại địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực thực hiện giành được những kết quả rất nổi bật.

Tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của tỉnh. 7 tháng đầu năm nay, chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại tiếp tục đạt kết quả cao, tăng trưởng hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng của cả nước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,7%, đứng thứ 8 trong vùng và thứ 24 cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng ngoạn mục, gấp hơn 2 lần (cả nước tăng 15,7%); kim ngạch nhập khẩu tăng 50% (cả nước tăng 18,5%)…

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.

Sản xuất công nghiệp mặc dù có mức tăng trưởng khá cao nhưng chưa bền vững; đặc biệt là công nghệ còn chậm đổi mới; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp còn thiếu cân đối (tỷ trọng công nghiệp chế biến còn thấp, trong khi tỷ trọng của công nghiệp khai thác cao); khai thác cao nhưng giá trị gia tăng nhỏ và vấn đề môi trường cũng là vấn đề thách thức.

Kinh tế cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa mở rộng sang nhiều thị trường khác; việc tận dụng cơ hội mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới mà nước ta là thành viên của các doanh nghiệp còn hạn chế…

Khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản

Bộ trưởng cho hay, Bộ Công Thương đánh giá cao tầm nhìn và những hoạch định của địa phương trong định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng thời Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp tổng kết của địa phương đã đề ra, phương châm “1 trục, 2 cực, 3 vùng, 4 trụ, 5 giải pháp” là rất đáng tham khảo. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lào Cao quan tâm, chú trọng chỉ đạo 5 nội dung trọng điểm, đó là:

Phát triển Lào Cai thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Phát triển Lào Cai thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất. Đặc biệt là các chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu…

Quy hoạch tỉnh Lào Cai được phê duyệt từ khá sớm so với các địa phương khác (tháng 3/2023). Tuy nhiên, Quy hoạch Vùng mới được phê duyệt tháng 5/2024 và nhiều Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt cùng thời điểm hoặc sau khi Quy hoạch của tỉnh được phê duyệt; bởi vậy chắc chắn sẽ có nhiều Quy hoạch ngành, Quy hoạch vùng chưa được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh.

Nội dung tiếp theo được Bộ trưởng Bộ Công Thương đề cập đó là, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch: 28 MW điện mặt trời mái nhà; 30 MW điện sinh khối; 1MW điện rác; 25 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 223,5MW; 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện đồng phát Đức Giang, công suất 100MW; 11 dự án lưới điện; 26 điểm mỏ khoáng sản; 3 dự án chế biến đất hiếm.

Tiếp đó là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp, khai thác chế biến sâu khoáng sản, xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim, cơ khí, hóa chất lớn của cả nước; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư khai thác và chế biến sâu khoáng sản, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, vật liệu, hóa chất, phân bón, cơ khí chế tạo và điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động vào môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu một số sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh (như chè, quế, dược liệu…) nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính (như Mỹ, châu Âu). Quan tâm phát triển các nguồn năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương. Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành năng lượng sạch, chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu…

Phát triển Lào Cai thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước
Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước nhờ có đường biên giới kéo dài, lợi thế du lịch, khoáng sản và văn hóa đa dạng…

Tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ; chủ động triển khai Luật Đất đai 2024 để phát triển quỹ đất sạch, đủ lớn, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, triển khai các dự án lớn…

Nội dung cuối cùng đó là, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai thực thi các quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ cả thương mại truyền thống và thương mại hiện tại, nhất là “tiềm năng khai thác logistics ở địa phương không ở đâu có được như Lào Cai”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỉnh Lào Cai cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển các mặt hàng và thị trường xuất khẩu mới.

Lào Cai có thế mạnh về phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển thương mại gắn với du lịch, xem đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ hiệu quả nhất. Nếu Lào Cai triển khai kinh tế ban đêm thì không chỉ bán sản phẩm địa phương, mà còn là địa chỉ du lịch tại chỗ, hàng hóa sản xuất cả nước có thể tập kết ở Lào Cai. Đây là cơ hội tốt nhất để Lào Cai phát triển, không chỉ thúc đẩy sản xuất địa phương mà thúc đẩy thương mại cả vùng, cả nước…

Đối với đề xuất 13 kiến nghị của tỉnh Lào Cai đã nêu trong báo cáo và bổ sung 2 kiến nghị tại buổi làm việc liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, phát triển thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, logistics và sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, đại diện các đơn vị tham gia Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau buổi làm việc này, Bộ sẽ văn bản hoá kết luận chính thức, trong đó có việc giải đáp cụ thể những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích