Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng

Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng
Tạp chí Gia đình Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chặng
đường gần 40 năm đổi mới đã ghi dấu một Việt Nam kiên cường, bứt phá và khát khao
phát triển. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, với thu nhập
bình quân đầu người vẻn vẹn 96 USD vào năm 1989, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, dự
kiến cuối năm 2025, sẽ bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao,
tương đương mức trên 5.000 USD/ người/ năm. Kỳ tích này không chỉ là kết quả của đường lối phát triển đúng đắn
dưới sự lãnh đạo của Đảng với những cải cách táo bạo, quyết đoán về thể chế,
chính sách và hội nhập mà còn là thành quả của tinh thần lao động chăm chỉ, sáng
tạo, ý chí quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc ta.
Điều
đáng tự hào hơn nữa là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn cao gấp đôi
mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, bất chấp những biến động kinh
tế toàn cầu. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, Việt
Nam đã không ngừng bứt phá mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới tính theo sức
mua tương đương (PPP). Những thành tựu đạt được không chỉ trong lĩnh vực kinh tế
mà còn bao gồm những tiến bộ to lớn về xã hội, góp phần mang lại đời sống ngày
càng ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Thành
công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như
trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh
tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong
hai thập niên trở lại đây, nhất là khi
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết
10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực
kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một
trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh
tế và ngày càng thể hiện là động lực
quan trong nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Với gần một
triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư
nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30%
ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động
trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Kinh
tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần
quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và
gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp
tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương
hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển
thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng
với thế giới.
Tuy
nhiên, dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều
rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh
tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát
triển thành doanh nghiệp, thậm chí “không
muốn lớn”. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt
Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản
trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước
ngoài; chưa tận dụng tốt các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, vẫn
chậm chuyển đổi số, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D),
ít chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm
mới. Vì vậy, rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng
tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Ngoài
những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp
cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất
lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Trong khi
đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn,
nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để
lãng phí. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi
trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời
gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền
tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức
trong thực thi công vụ.
Mặt
khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả và công
bằng giữa các khu vực kinh tế và không dễ tiếp cận đối với kinh tế tư nhân. Trong
nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhận được
nhiều ưu đãi hơn so với khu vực tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước thường thuận lợi
hơn trong tiếp cận đất đai, vốn, tín dụng; trong khi doanh nghiệp nước ngoài
thường được hỗ trợ tốt hơn về thuế, thủ tục hải quan, và cả tiếp cận đất đai.
Ngoài ra, hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại, tạo
ra một gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất
kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư.
Rõ
ràng, những hạn chế phát triển của doanh nghiệp tư nhân xuất phát một phần từ
những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh
doanh. Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực
kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như
không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao
giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa
Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục
tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.
Hướng
đến tầm nhìn chung của đất nước, kinh tế tư nhân cũng cần xác định rõ hơn về sứ
mạng và tầm nhìn của mình. Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ
nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền
kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng
cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây
dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc
tế. Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ
lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng
góp khoảng 70% GDP vào năm 2030; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực
cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị,
chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập,
tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Để
khu vực kinh tế tư nhân có thể thực hiện được sứ mệnh và hiện thực hóa được tầm
nhìn đầy khát vọng đó, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải
cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân
có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn
ra thị trường quốc tế. Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực
nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững
mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước. Nền kinh tế quốc gia chỉ thực sự cường thịnh khi toàn
dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà
nhà, ai cũng hăng say lao động.
Trước
yêu cầu đó, chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và
nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như
là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một
sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và
phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng
cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Nhà nước phải có phương thức quản
lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu
tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản,
minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và
phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách. Đồng
thời, nhất quán quan điểm “mọi người có quyền
tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, xây dựng chính
sách
làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, cần tạo
dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến
khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực
kinh tế có tính chiến lược.
Nghị
quyết sắp tới của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân cần khuyến khích, hỗ trợ và định
hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân, phải tạo ra một động lực đột phá, mở
ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cần xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược,
chính sách lâu dài của quốc gia. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước,
kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự
cường. Trong đó tập trung thực hiện một số
giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ
nhất là tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ,
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để
khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được điều
này, Nhà nước cần tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, đảm
bảo nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc thị trường, giảm thiểu sự can thiệp và
xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế xin – cho, thực sự quản lý kinh tế theo
nguyên tắc thị trường và sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế.
Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng doanh nghiệp độc quyền và thao túng
chính sách, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo doanh nghiệp tư nhân có cơ hội
bình đẳng để phát triển. Điểm cốt lõi của hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường
là phân định mạch lạc vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, theo đó Nhà nước tập
trung vào điều tiết vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế
thị trường vận hành hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội. Phải coi nhiệm vụ
thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trong tâm của của chúng ta hiện
nay.
Thứ
hai là bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo
đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân. Một
trong những chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại là bảo
vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước cần xây dựng và thực
thi cơ chế pháp lý chặt chẽ về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở
hữu trí tuệ và tài sản vô hình; giảm thiểu rủi ro pháp lý, hạn chế tối đa tình
trạng thay đổi chính sách đột ngột gây tổn thất cho doanh nghiệp. Tạo lập cơ chế
hỗ trợ và bảo vệ nhà đầu tư tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp,
doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp họ an tâm và phát triển thuận lợi. Ngoài
ra, một nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội
chủ nghĩa (XHCN) hiện đại đòi hỏi một hệ thống thực
thi hợp đồng minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp yên tâm trong các
giao dịch thương mại và đầu tư. Để thực hiện điều này, Nhà nước cần cải cách hệ
thống tư pháp thương mại, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm
thiểu chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, giảm tình trạng hợp đồng bị vi phạm
mà không có biện pháp chế tài hiệu quả; tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của
tòa án kinh tế, trọng tài thương mại, đảm bảo phán quyết công bằng, khách quan,
giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tăng cường giám sát thực thi pháp luật, khắc phục tình
trạng thiếu nhất quán giữa Trung ương và địa phương; xử lý nghiêm các hành vi lạm
dung thanh kiểm tra để những nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp, tăng cường đẩu
tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật của doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật, xây dựng giá trị, đạo đức kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế tư
nhân phát triển lành mạnh.
Thứ
ba là, bên cạnh việc phải củng cố mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất
là các tập đoàn kinh tế nhà nước; cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư
nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng
thời nâng đỡ thành phần kinh tế hộ, kinh tế hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp
tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược của đất nước: thực hành quan điểm kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong cấu
trúc kinh tế thị trường định hướng XHCN, loại bỏ tư tưởng “Trọng công hơn tư”
và sự “độc quyền” của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực. Hình
thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mạnh, có năng lực cạnh
tranh quốc tế, có sứ mệnh dẫn dắt, hỗ trợ trở lại các doanh nghiệp nội địa khác
cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời phải có chính sách
riêng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, cũng như thành phần
kinh tế hộ gia đình
và kinh tế hợp tác xã,
khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và phát triển mô hình
hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả. Để kinh tế tư nhân không chỉ phát triển về quy
mô mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển dài hạn của đất nước, cần khuyến
khích doanh nghiệp tư nhân tham gia các lĩnh vực chiến lược, phát triển cơ sở hạ
tầng quan trọng, công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn và an ninh năng lượng. Mở
rộng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong các dự án quan trọng quốc gia, cùng tham
gia với Nhà nước trong một số ngành công nghiệp chiến lược và một số lĩnh vực đặc
biệt, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Nhà nước có cơ chế chính sách giao đặt hàng khu vực kinh tế tư
nhân tham gia vào một số dự án trong điểm, quan trọng quốc gia, những nhiệm vụ
cấp bách như xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đo thị, hạ tầng năng lượng,
hạ tầng số, công nghiệp quốc phòng, an ninh…
Thứ
tư là thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng
công nghệ mới. Đây là yếu
tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế. Cần có những
chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân ứng dụng
công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Nhà nước cần tạo khung pháp
lý thử nghiệm (sandbox) cho các lĩnh vực công nghệ mới, khuyến khích doanh nghiệp
tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ
liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) và y tế thông
minh… Triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho doanh
nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển
(R&D). Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các
startup, các “kỳ lân công nghệ” mang tên Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Thứ
năm là cải cách thể chế, kiến tạo nền hành chính “phục vụ doanh nghiệp-phụng
sự đất nước”: Cần
quyết liệt cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy trong cải cách mạnh mẽ
nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; quyết đoán trong cắt
giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng
dụng công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ,
chi phí không chính thức; thiết lập cơ chế đối thoại, phản biện chính sách hiệu
quả, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia góp ý vào quá
trình hoạch định chính sách kinh tế, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi cao. Phấn
đấu trong vòng 3 năm tới, môi trường kinh doanh của Việt Nam nằm trong Top 3 ASEAN.
Thứ
sáu là giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển cho kinh tế tư nhân, tạo cơ hội
cho kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực quan trọng như vốn, đất
đai, nhân lực, công nghệ. Thúc đẩy kinh tế tư nhân hội nhập sâu rộng hơn nữa
vào kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế, bảo
vệ doanh nghiệp trước các rủi ro kinh tế. Cần có những chính sách hỗ
trợ hiệu quả hơn để kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực một cách thuận lợi, công
bằng, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả, có thể khai thác và sử dụng tối ưu các
nguồn lực này. Phát triển các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tư nhân, bao gồm
thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo
lãnh tín dụng và các hình thức tài chính hiện đại như fintech, huy động vốn cộng
đồng; xây dựng chính sách đất đai ổn định, minh bạch, tạo điều kiện để doanh
nghiệp tư nhân tiếp cận quỹ đất thuận lợi, với giá hợp lý.
Nhà
nước cần định hướng, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia chuỗi
cung ứng toàn cầu, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến, hình
thành đội ngũ doanh nhân có tư duy toàn cầu. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến
khích và định hướng doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo,
công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghệ cao, thay vì tập
trung quá nhiều vào bất động sản và các lĩnh vực có tính đầu cơ ngắn hạn. Xây dựng
cơ chế, chính sách bảo vệ doanh nghiệp tư nhân trước những cú sốc kinh tế, nhất
là trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, suy thoái kinh tế và biến động thị trường.
Thứ
bảy là phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh
và trách nhiệm xã hội: Nhà
nước thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng
ổn định kinh tế vĩ mô, gắn chặt với chiến lược phát triển xanh, kinh tế tuần
hoàn, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp
tư nhân cần chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội, không chỉ dừng lại ở việc
đóng góp tài chính hay từ thiện, mà còn thể hiện qua các chính sách kinh doanh
có trách nhiệm, chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ phát triển cộng đồng;
và thực hành quản trị minh bạch, hiệu quả, xây dựng văn hóa kinh doanh dựa trên
đạo đức, chống gian lận, đảm bảo công bằng với khách hàng, đối tác và người lao
động. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cần chủ động tham gia các chương trình an
sinh xã hội cùng Nhà nước, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, giảm khoảng cách
giàu nghèo, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nhân văn, giàu đẹp, nơi lợi
ích doanh nghiệp gắn liền với sự thịnh vượng chung của đất nước.
Kinh
tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt
Nam. Chúng ta đều tin tưởng rằng, nếu Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách
đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng
để sinh trưởng khỏe mạnh, bứt phá mạnh mẽ, không chỉ giúp kinh tế đạt được tốc
độ tăng trưởng cao mà còn sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong
hai thập niên tới. Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt
Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
Chúng
ta đang sống trong thời khắc lịch sử, chứng kiến sự phát triển chưa từng có của
khoa học công nghệ và môi trường quốc tế đầy biến động, vừa hợp tác vừa đấu
tranh, nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Nhưng với bản lĩnh kiên cường,
với ý chí quyết tâm và khát vọng cháy bỏng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên kỳ
tích mới trong phát triển kinh tế – xã hội! Một nền kinh tế vững mạnh đang hình
thành, một thế hệ doanh nhân Việt Nam bản lĩnh và đổi mới, sáng tạo, tràn đầy
nhiệt huyết kinh doanh và lòng yêu nước, đang viết tiếp câu chuyện thành công,
và một tương lai rực rỡ, một nước Việt
Nam XHCN sánh vai cùng các cường
quốc năm châu như mong nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang dần trở thành hiện
thực trong tương lai gần.