Phát triển kinh tế số và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới

Cũng theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia được kết nối tốt nhất trên thế giới, nhất là khi xét đến mức thu nhập, với tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao, các công cụ và nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) được các doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều.

Việt Nam cũng đã có sự hiện diện của một số tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đi sau ở một số khía cạnh như kỹ năng; tài chính; môi trường pháp lý thuận lợi, bao gồm tiếp cận và an ninh dữ liệu đã gây cản trở việc tận dụng tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng.

Để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, Chính phủ sẽ cần tiến hành một số hành động. Ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân, và an ninh mạng.

Nếu những thách thức này không được các nhà hoạch định chính sách khẩn trương xử lý, thì sẽ dẫn đến rủi ro là lợi ích từ áp dụng công nghệ số sẽ không lớn như kỳ vọng, và trên hết, sẽ được phân bố không công bằng, có thể dẫn đến những căng thẳng về kinh tế, xã hội và chính trị. Do đó, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị một lộ trình, gồm ba hành động chính, đó là:

Thứ nhất, nâng cao kỹ năng số. Người lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số, và phân bố kỹ năng không đồng đều có thể gia tăng bất bình đẳng.

Tỷ lệ người lao động có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp và số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau phổ thông phù hợp chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống. Với tốc độ như hiện nay, Việt Nam sẽ cần 25 năm để đuổi kịp Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp cho biết việc tìm kiếm và giữ chân các chuyên viên phân tích dữ liệu, lập trình viên và chuyên viên mô hình hóa giỏi ngày càng khó.

Một công đoạn sản xuất kỹ thuật cao tại Công ty TNHH công nghiệp chính xác Việt Nam.Ảnh: Đặng Hiếu

Với tốc độ thay đổi nhanh chóng về yêu cầu của việc làm trong tương lai, sự phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân có thể giúp xác định và dự báo những kỹ năng nào sẽ có nhu cầu cao nhất. Việt Nam có thể cân nhắc 5 phương án bổ trợ cho nhau:

1) bồi dưỡng nhân tài trẻ về công nghệ số thông qua chương trình học bổng quy mô lớn để chuẩn bị cho sinh viên ở giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sẵn sàng trước thời đại số (như tại Inđônêxia);

2) xây dựng các chương trình kết hợp phát triển kỹ năng liên quan đến kinh tế số với tài trợ và cố vấn cho các doanh nhân số (như tại Singgapo);

3) đưa công nghệ vào giáo dục từ các giai đoạn đầu (như tại Hà Lan);

4) thu hút nhân tài từ những kiều bào đang tham gia các lĩnh vực số khắp thế giới (như tại Phi-líp-pin và Pháp);

5) khuyến khích phát triển kỹ năng mềm cho người lao động, như kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, truyền thông, làm việc nhóm, sáng tạo, và quản lý (bằng cách đào tạo cho giảng viên trong các lĩnh vực trên và sửa đổi chương trình học).

Thứ hai, bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo. Để duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc. Chu kỳ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) ngắn nghĩa là công nghệ trong ngành này có thể được phát minh, thử nghiệm và ứng dụng nhanh hơn nhiều so với các ngành công nghệ khác, chẳng hạn công nghệ y học. Cũng vì lẽ đó, CNTT&TT có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Ngày nay, hầu hết hỗ trợ của Chính phủ đều hướng vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho lan tỏa, áp dụng và thích ứng công nghệ mới của các doanh nghiệp. Để tái cân bằng chính sách trên, Chính phủ có thể hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt đối với các công ty có năng lực công nghệ cao bằng cách triển khai thực hiện những hiệp định thương mại tự do khu vực thông qua gần đây; cải thiện chính sách cạnh tranh và việc triển khai thực hiện chính sách; và, thúc đẩy khởi nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ trong ngành công nghệ số với các hỗ trợ có mục tiêu để tạo điều kiện tiếp cận tài chính, thông tin và phát triển kỹ năng tốt hơn.

Thứ ba, đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh. Nhiều lợi ích của một nền kinh tế ảo có thể được xác định bằng khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin mà các công cụ số mới mang đến cho người dùng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đạt kết quả thấp về tiếp cận thông tin Chính phủ và về nội dung thông tin do Chính phủ cung cấp. Hơn nữa, khả năng lưu động dữ liệu, khả năng trao đổi và sử dụng dữ liệu còn hạn chế, cho dù Chính phủ đã ra mắt cổng thông tin dữ liệu nội bộ vào giữa năm 2020.

Trong lúc đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ cần tìm cách cân bằng giữa quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư, và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu số, đồng thời học hỏi kinh nghiệm các quốc gia khác trong khu vực cũng đang từng bước chuyển từ giảm bớt bảo hộ dữ liệu sang tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân như tại các nền kinh tế ASEAN khác…

Theo Dangcongsan.vn

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích