Phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững

Chiều 23/9, tại Hội trường Ủy ban nhân dân thị trấn Quốc Oai, Hội Nông dân huyện tổ chức lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ năm 2022, cho các hội viên trên địa bàn huyện.

Phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững
Quang cảnh lớp tập huấn

Nội dung được truyền tải tại lớp tập huấn là một trong những vấn đề được người nông dân trong huyện quan tâm, đó là kiến thức khoa học kỹ thuật về công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Bởi, đa số người nông dân ở đây đều cho rằng, việc chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường là việc làm thiết thực để phát triển kinh tế an toàn, bền vững.

Bên lề lớp tập huấn, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thảo (cư trú tại thôn Nhân Nội, xã Đồng Quang) chia sẻ, trước kia nhà bà chăn nuôi trong một khu đất rất hạn chế, phải phân chia gia súc, gia cầm theo tầng; ngăn dưới chăn bò, lợn, ngăn trên chăn nuôi ngan, gà. Thế nhưng, việc chăn nuôi hỗn hợp gây ra ô nhiễm môi trường là tình trạng dễ thấy. Do đó, để bảo vệ môi trường, bà Thảo đã giảm số lượng vật nuôi.

Phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững
Bà Nguyễn Thị Thảo, cư trú tại thôn Nhân Nội, xã Đồng Quang.

“Tuy nhiên, nhờ có lớp tập huấn, người nông dân chúng tôi biết được nhiều kiến thức bổ ích để hỗ trợ trang trại chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học, có được năng suất cao, vẫn bảo vệ môi trường; biết cách xử lý ô nhiễm và có thêm cả nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi”, bà Thảo cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tiến (nông dân Tổ dân phố Đình Tổ, thị trấn Quốc Oai) cho biết, địa bàn thị trấn hầu hết đều có các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng về vấn đề phát triển sản phẩm sinh học lại chưa được phát triển mạnh.

Ông Tiến cho rằng: “Nông dân cần được trang bị phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ. Để giúp mô hình chăn nuôi thích ứng với môi trường hiện tại; cải thiện môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp; từ đó tạo sản phẩm ngon, an toàn cho người bà con”.

Từ góc nhìn của chuyên gia, PGS. TS Phạm Thị Vượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Quế Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông Nghiệp Tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam chia sẻ: “Đa số người nông dân đã nhận ra những mặt trái của nông nghiệp lạm dụng hóa chất để dần chuyển đổi sang nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn; vừa hiệu quả, vừa an toàn cho môi trường.

Nhờ đó, những chương trình về Chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái từ trước tới nay được rất nhiều nông dân quan tâm. Đây là một cơ hội để thành phố Hà Nội đưa khoa học kỹ thuật về cho bà con nông dân thực hành và áp dụng vào việc sản xuất nông sản sạch, bền vững.

Là đơn vị tổ chức lớp tập huấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Kim Thúy trao đổi với phóng viên, Hội viên nông dân toàn huyện rất khao khát được trang bị kiến thức về an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm vi sinh đưa vào trong chăn nuôi.

Phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại lớp tập huấn.

“Với mong muốn sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn sinh học trên địa bàn huyện, để không đưa hóa chất vào chăn nuôi và trồng trọt; Hội Nông dân huyện bắt tay vào việc tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi, hỗ trợ cho hội viên có được những kiến thức, giúp thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành động của mỗi người nông dân”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai nói.

Quang Linh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích