Phát triển khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh: Thu hút có chọn lọc
TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ phát triển tập trung cơ sở hạ tầng như cảng biển, phương tiện giao thông đường bộ… nhằm hạn chế ùn tắc, chậm thông quan, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
Khu chế xuất Linh Trung. (Nguồn: linhtrungepz.com) |
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hình thành Đề án định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó trọng tâm của Đề án là tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế; phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Tái cấu trúc theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, đề xuất ban đầu Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 sẽ chuyển đổi sang thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao; giảm dần các ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày.
Khu công nghiệp Bình Chiểu phát triển nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; hướng phát triển dịch vụ logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế.
Tương tự, Khu công nghiệp Cát Lái đề xuất chuyển đổi thành một phần Trung tâm logistics Cát Lái; Khu chế xuất Tân Thuận thu hút dự án công nghệ cao; Khu công nghiệp Hiệp Phước dành để bố trí các doanh nghiệp di dời ô nhiễm của thành phố; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, những ngành liên quan đến cảng biển, kho vận; khuyến khích doanh nghiệp hiện hữu đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường…
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đề án chuyển đổi nhằm phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trước xu thế mới. Mục tiêu của thành phố là từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu theo hướng hiệu quả hơn. Việc tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm phát huy những lợi thế của thành phố về nguồn nhân lực và vị trí trung tâm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp theo xu hướng mới, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Hepza, cho rằng quy hoạch sắp tới cần có trọng tâm, trọng điểm và phải đồng bộ trên cơ sở kế thừa, xác định cái đúng, hay. Trong quy hoạch cần có thời hạn rõ ràng, dự báo những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh; cần coi khó khăn của nhà đầu tư như chính mình để có giải pháp tháo gỡ, giúp nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh….
“Ngoài ra, cần nâng cao hiệu suất dự án đầu tư, mở rộng diện tích, thúc đẩy phát triển gắn với khu kinh tế phía Nam thành phố. Đặc biệt, cần xem xét áp dụng mô hình trước đây, có cơ chế một cửa tại chỗ, được tự chủ tài chính để hạn chế những khó khăn từ thực tiễn,” ông Nguyễn Chơn Trung đề xuất.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn QST Việt Nam cho việc giữ lại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu không chỉ tạo lòng tin cho nhà đầu tư mà còn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần thay đổi công nghệ phù hợp với xu hướng mới, hạn chế những ngành nghề thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường.
Bà Hà cũng đánh giá cao việc phát triển nhà xưởng cao tầng trong các khu công nghiệp là hợp lý, giúp doanh nghiệp vừa yên tâm về hạ tầng kỹ thuật vừa bảo đảm sự quản lý hiệu quả thông qua các công ty quản lý vận hành tòa nhà chuyên nghiệp.
“Dù giá thuê nhà xưởng cao tầng có cao hơn so với giá thuê nhà xưởng thấp tầng, nhưng bù lại có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hiện đại hơn, phù hợp với xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ,” bà Hà chia sẻ.
Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam-Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) |
Theo Ban giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sepzone ở khu chế xuất Linh Trung, Hepza cần mở rộng và “linh hoạt” cho các ngành nghề khi đáp ứng các tiêu chí; không gói gọn nhóm ngành từng khu như hiện nay. Thành phố cần chọn lựa nhà đầu tư có năng lực mạnh về tài chính và có kinh nghiệm đầu tư quốc tế.
“Các khu chế xuất, khu công nghiệp mới cần đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng như: cung cấp điện, nước, gas, công nghệ thông tin… ổn định cho các nhà máy hoạt động không bị gián đoạn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận tiện về giao thông, các tuyến đường từ khu chế xuất, khu công nghiệp đến sân bay và năng lực đối ứng của sân bay…,” đại diện Công ty Hepzone chia sẻ.
Việc hoàn thiện mô hình phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường cũng được các chuyên gia kinh tế lưu ý vai trò, công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu ban hành Luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; xây dựng mô hình phát triển cho các khu công nghiệp mới để không chỉ tạo động lực phát triển cho thành phố mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiến tạo môi trường, thu hút các nhà đầu tư
Việc xây dựng mới hay tái cấu trúc, mở rộng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố, nhất là việc phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ và mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường. Do vậy, thành phố cần có chính sách hỗ trợ phát triển tập trung cơ sở hạ tầng như cảng biển, phương tiện giao thông đường bộ… nhằm hạn chế ùn tắc, chậm thông quan, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
Để thu hút các nhà đầu tư, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất First Solar Việt Nam tại khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất cải thiện chất lượng cung cấp điện năng; ưu đãi thuế; hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện các quy định mới về pháp luật bảo vệ môi trường; tạo điều kiện để tinh giản quy định liên quan đến việc tích hợp, thay đổi, cấp mới giấy phép môi trường. Đồng thời, kiến nghị tái khởi động lại đề án xây dựng, thiết lập đơn vị hải quan cấp đội; tạo thuận lợi hơn trong quá trình gặp gỡ, làm việc, khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí vận chuyển.
Để giữ chân các nhà đầu tư với các dự án hiệu quả hiện có, đồng thời khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư mới với các dự án được ưu tiên lựa chọn, ông Trần Tựu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Savipharm, cho rằng thành phố cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi và các chính sách khuyến khích đầu tư.
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
“Trước hết, cần nghiên cứu đơn giản tối đa các thủ tục hành chính; hoàn thiện các quy trình đầu tư, danh mục các dự án đầu tư ưu tiên lựa chọn; công bố các chủ trương của thành phố về việc ổn định và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện có. Hơn nữa, thành phố cần sớm hoàn thiện và công bố bản quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2040; đồng thời đề xuất quy hoạch, thiết kế, đầu tư hoàn thiện một khu công nghiệp mới, kiểu mẫu, hiện đại làm tiền đề cho việc phát triển các khu công nghiệp mới của thành phố,” ông Trần Tựu chia sẻ.
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến nhanh, đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, xu hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thành phố tập trung chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng sinh thái, công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường.
Song song đó, xây dựng các khu công nghiệp mới theo các mô hình chuyên ngành; khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; chú trọng tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha từ 6,23 triệu USD lên 15 triệu USD vào năm 2025.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Hepza sẽ dựa trên cơ sở xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các trường xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp.
“Trước mắt, Hepza tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ;” phối hợp chặt chẽ với các cấp ngành trong quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp,” ông Hứa Quốc Hưng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn phát triển mới, các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang không ngừng đổi mới, phát huy cơ chế “một cửa, tại chỗ,” năng động và sáng tạo; chuyển đổi mô hình phát triển xanh, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp… Qua đó, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.
Nguồn: Báo xây dựng