Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện

Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện

MTĐT –  Thứ hai, 19/09/2022 09:29 (GMT+7)

Ngày 15/9/2022, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện”.

Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan; Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP.HCM Werner Bardill; Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam Lê Thị Thanh Thảo. Hội thảo có sự tham dự của 230 đại biểu trực tiếp và 20 đại biểu tham gia trực tuyến đến từ các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; 46 Ban Quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng và doanh nghiệp trong KCN, KKT; các chuyên gia trong và ngoài nước; các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương.

Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mục tiêu Hội thảo nhằm phổ biến các chính sách và giải pháp triển khai thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam; đối thoại và chia sẻ các khúc mắc trong cơ chế, các khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình KCNST tại các KCN, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng và doanh nghiệp.

Thời gian qua, các KCN đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của KCN cũng đặt ra cho môi trường nhiều thách thức như ô nhiễm nước, ô nhiễm đất và đặc biệt là khí thải góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Để kinh tế phát triển gắn liền với môi trường xanh sạch, trong giai đoạn 2014-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO phát triển Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Cụ thể, trên 72 doanh nghiệp với 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm 76 tỷ đồng mỗi năm và cắt giảm được 32 tấn khí CO2 hàng năm, đem lại các tín hiệu tích cực về mặt kinh tế – xã hội (KT-XH) và môi trường.

tm-img-alt
Từ trái qua phải: Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam Lê Thị Thanh Thảo; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan; Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP.HCM Werner Bardill chủ trì Hội thảo 

Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, bao gồm các quy định về chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái. Các điểm mới tiêu biểu là Điều 36 đến Điều 45, với sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp quản lý để xây dựng phát triển KCN sinh thái và những ưu đãi đối với KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Cụ thể, ở quy mô cấp tỉnh ưu tiên đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa kết cấu hạ tầng KCN hiện hữu để hỗ trợ chuyển đổi thành KCN sinh thái cũng như thu hút đầu tư vào KCN sinh thái. Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh cũng chú trọng vào khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để cải tiến, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất, giảm ô nhiễm và sử dụng tài nguyên, năng lượng. KCN, doanh nghiệp sinh thái cũng được hưởng rất nhiều ưu đãi được quy định tại Điều 39 như miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút vốn đầu tư. Doanh nghiệp được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ngân hàng phát triển, các Quỹ của nhà tài trợ quốc tế, được phát hành trái phiếu, pháo luật về trái phiếu, pháp luật về môi trường. Ngoài ra, daonh nghiệp cũng được cung cấp các thông tin về công nghệ, hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái; ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, quản lý.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liễu, đại diện Vụ quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đưa ra những khái niệm phát triển kinh tế tuần hoàn trong hoạt động công nghiệp gắn với mô hình KCN sinh thái. Cụ thể, muốn giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hạn chế phát sinh nước thải, khí thải ra môi trường thì cần phải áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống. Tức là, hệ thống kinh tế tuần hoàn đó phải được phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại, và quan trọng nhất là tái sử dụng chất thải, lấy chất thải của quy trình sản xuất này làm nguyên liệu cho quy trình sản xuất tiếp theo, và cứ như thế hình thành nên vòng tròn khép kín.

Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện
Hình minh hoạ cho kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn 

Về tình hình áp dụng mô hình KCN sinh sinh thái, ông Werner Bardill, Tổng lãnh sự Thụy Sỹ tại TP.HCM cho hay: “Đối với quy mô KCN và doanh nghiệp đã tích cực đầu tư và xây dựng các giải pháp sản xuất sạch hơn cũng như là sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi mong rằng có thêm nhiều KCN tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới”.

Về việc sử dụng các công cụ, giải pháp hỗ trợ cho việc chuyển đổi và xây dụng mới KCN sinh thái, bà Nguyễn Trâm Anh – Chuyên gia kỹ thuật của UNIDO đề xuất xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá KCN sinh thái. Theo bà Trâm Anh, phải đề xuất bộ chỉ số bởi các nhu cầu “giúp cơ quan quản lý có một bộ khung để hướng dẫn, giám sát cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn của hệ thống KCN sinh thái, đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN theo hướng phát triển bền vững, từ đó giúp cho KCN sinh thái mang lợi ích về KT-XH, môi trường”. Bộ chỉ số này có 29 chỉ số giám sát, đánh giá khu công nghiệp, bao gồm 7 chỉ số về môi trường, 4 chỉ số quản lý KCN, 7 chỉ số về kinh tế, 8 chỉ số về xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về mô hình KCN sinh thái, ông Alessandro Flammini, Điều phối viên Dự án UNIDO cho biết, Việt Nam có thể rút ra 6 kinh nghiệm quốc tế, gồm: (1) Các chính sách KCN sinh thái của Chính phủ cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình địa phương. Không nên tiếp cận theo kiểu “Một mô hình phù hợp cho tất cả”; (2) Các chiến lược KCN sinh thái của Chính phủ được lồng ghép vào nhiều chính sách khác nhau, không nhất thiết phải tập trung Chiến lược trong một chính sách… (3) Tận dụng nguồn lực hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN và giữa doanh nghiệp với Chính phủ; (4) Linh hoạt trong việc áp dụng chính sách, tiếp cận theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (5) Cần sự chủ động và tạo điều kiện của các cơ quan quản lý KCN để khuyến khích sự tương tác giữa các doanh nghiệp với nhau; (6) Vai trò của Chính phủ: Thực thi pháp luật, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có sự quy hoạch đúng đắn và phải thực hiện đối thoại giữa các bên liên quan.

Đóng góp thêm về xây dựng KCN sinh thái, ông Dick Van Beers – chuyên gia kỹ thuật UNIDO nhấn mạnh, khi quy hoạch KCN sinh thái mới, chúng ta cần phải đảm bảo tính linh hoạt. Tức là, phải chuẩn bị các kịch bản phát triển khác nhau theo thời gian, để có hướng phát triển khi điều kiện KT-XH thay đổi. Để làm được điều đó, nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, với tầm nhìn phải trên 20 năm mới có thể quy hoạch chuẩn xác và không bị vỡ quy hoạch.

Phần chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc chuyển đổi mô hình KCN sang mô hình KCN đã triển khai ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy các tín hiệu rất tích cực.

tm-img-alt
Các đại biểu khảo sát Nhà máy xử lý nước thải KCN Amata Biên Hòa 

Đại diện KCN Amata, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc phụ trách môi trường, Công ty CP Amata Biên Hòa khẳng định, KCN có thể tái sử dụng 100% lượng nước thải. Tức là thay đổi mô hình từ sử dụng từ sử dụng nước tuyến tính sang sử dụng nước tuần hoàn. Bằng cách đó, KCN sử dụng 20% lượng nước tái sử dụng để tưới cây, 20% dùng cho hệ thống làm mát và khoảng hơn 50% lượng nước được cấp lại cho quy trình sản xuất. Ông cũng cho biết, lượng nước tái chế đạt 27% lượng nước cấp trong khu công nghiệp. Ông cũng nêu ý kiến về việc tái sử dụng bùn thải: Bộ NN&PTNT cần ban hành tiêu chuẩn sao cho phù hợp, nếu ban hành những tiêu chuẩn quá khắt khe sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Ankit Kapasi tóm tắt một số kết quả trong việc xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp tại các KCN thí điểm giai đoạn 2014 – 2019 (Khánh Phú, Hòa Khánh, Trà Nóc – TP. Đà Nẵng). Thực hiện cộng sinh công nghiệp tại 3 KCN Trà Nóc, Hòa Khánh và Khánh Phú đã cho được các kết quả rất khả quan. Có tổng cộng 138 Công ty được khảo sát, xác định được 61 cơ hội cộng sinh công nghiệp, trong đó lấy ra được 18 cơ hội để nghiên cứu. Trong các cơ hội đó, thì cơ hội triển khai cộng sinh công nghiệp ở Hòa Khánh được thực hiện rất hiệu quả. Quy trình này thu hồi khí sinh học tại Công ty sản xuất bia Heineken để sử dụng làm nhiên liệu trong lò hơi của Công ty Green Energy. Quy trình này có 2 mục tiêu chính: định giá khí sinh học được tạo ra bởi Nhà máy xử lý nước thải của công ty Heineken, hiện đang thải ra bầu khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Hai là thay thế một phần nhiên liệu hiện tại sử dụng trong lò hơi của Công ty Green Energy bằng khí sinh học thu hồi, nhằm giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu và các chi phí liên quan. Quy trình này đã cho kết quả hết sức tích cực: giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu 33% và giảm phát thải khí nhà kính tương đương 17044 tấn CO2/năm. Dự án này hiện đang triển khai và vẫn hoạt động tốt.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm mà đại diện các Bộ, ban/ngành cùng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của UNIDO đã thông tin, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, các ý kiến của đóng góp của đại diện doanh nghiệp rất quan trọng để hoàn thiện việc xây dựng Bộ chỉ số áp dụng chuyển đổi và giám sát, đánh giá KCN sinh thái. Thông qua Hội thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc trong khâu thủ tục hành chính để mô hình KCN sinh thái phát triển đúng theo lộ trình.

tm-img-alt
Các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất và chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Fleming 

Trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 16/9/2022 các đại biểu thăm quan thực địa tại tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Nhà máy xử lý nước thải và một số Công ty đã được Dự án hỗ trợ tại KCN Amata Biên Hòa và khảo sát dây chuyền sản xuất, nồi hơi, máy nén khí, hệ thống năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Quốc tế Fleming.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích