Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Chưa hấp dẫn đầu tư
(Xây dựng) – Tại Việt Nam, khu công nghiệp (KCN) sinh thái luôn được nhắc đến như một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, đầu tư vào mô hình này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong khi hoàn vốn chậm cùng nhiều tiêu chí khắt khe khác nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Các doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái cần có nguồn lực, chi phí đầu tư rất lớn (Ảnh minh họa). |
Theo các chuyên gia, để đầu tư làm KCN sinh thái, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí gồm kết cấu hạ tầng phải đúng pháp luật và bảo vệ môi trường, lao động; kết cấu hạ tầng đầy đủ dịch vụ cơ bản; sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch; có diện tích đất hợp lý để trồng cây xanh; liên kết cộng sinh công nghiệp; xây dựng công trình xã hội cho người lao động; có cơ chế giám sát, quản lý bảo vệ môi trường; thực hiện công bố báo cáo bảo vệ môi trường.
Để đáp ứng các tiêu chí khắt khe trên, các doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái cần có nguồn lực, chi phí đầu tư rất lớn.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc các KCN DEEP C (Hải Phòng) cho biết, việc phát triển theo mô hình KCN sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu muốn tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng và có thương hiệu tốt. Điều chắc chắn là phát triển theo mô hình KCN sinh thái sẽ có chi phí đầu tư tốn kém hơn so với các KCN truyền thống (vốn chi cải tạo đất cho thuê và phát triển hạ tầng), nhưng trong dài hạn mô hình KCN sinh thái sẽ mang lại giá trị cao hơn và phát triển bền vững.
Việt Nam hiện có khoảng 15% KCN theo mô hình chuyên ngành, hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ và chưa có KCN nào đạt chuẩn KCN sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã định nghĩa cụ thể hơn về KCN sinh thái với các hoạt động sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp (chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác và được tái sử dụng tuần hoàn).
Đồng thời, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ trong KCN để đảm bảo cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đặt tiêu chí tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn… Với chủ đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh phải chiếm 25%, thay vì 21% như trước.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Quốc Trung cho biết, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là giải pháp cũng như tiêu chuẩn đặt ra để doanh nghiệp có thể xây dựng KCN sinh thái ngay từ ban đầu thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng xanh, ưu đãi về hạ tầng, tín dụng xanh và trái phiếu xanh, cung cấp thông tin hỗ trợ và giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, tác động tích cực đến việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Tuy nhiên, việc cải tạo các KCN kiểu cũ phát triển thành KCN sinh thái để phát triển xu hướng giảm phát thải thì phải xác định còn rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển KCN truyền thống sang mô KCN sinh thái để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 là đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng KCN sinh thái, các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương. Đối với những tỉnh, thành phố đang lập quy hoạch xây dựng thêm KCN mới, thì phải theo mô hình KCN sinh thái.
Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực khi được nhân rộng trên phạm vi cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan…
Nguồn: Báo xây dựng