Phát triển khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch đô thị
Xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch ở phạm vi cả nước, vùng và địa phương, đặc biệt là các chiến lược, quy hoạch về phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và phát triển đô thị đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy, phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Thực tế cho thấy, để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và phát triển các đô thị phải luôn đặt trong mối quan hệ gắn kết mật thiết, cân xứng đi đôi với nhau, mặt này là cơ sở, điều kiện để phát triển mặt kia và ngược lại.
Thông qua việc lập và thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch ở cấp tỉnh, đến đầu năm 2021, trên phạm vi cả nước đã có 369 khu công nghiệp (284 khu công nghiệp đang hoạt động) được thành lập ở 61 địa phương cấp tỉnh, với tổng diện tích khoảng 114 nghìn héc-ta (diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 42,2 nghìn héc-ta); 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 857,6 nghìn héc-ta (diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn héc-ta); và nhiều cụm công nghiệp ở tất cả các địa phương trong cả nước.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế là những trung tâm, hạt nhân thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động với khoảng gần 4 triệu lao động trực tiếp đang làm việc; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội ở các khu vực địa bàn, địa phương trong cả nước. Tại các khu kinh tế và một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhà máy tập trung, các địa phương đã quy hoạch, xây dựng khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị cung ứng nhà ở, dịch vụ tiện ích đời sống cho người lao động, chuyên gia làm việc. Hình thành, tạo lập nên những đô thị mới, khu đô thị mới cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, hiện đại có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa, mở rộng phát triển đô thị, hệ thống đô thị trên địa bàn.
Tuy nhiên ở nhiều nơi, việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhà máy tập trung còn thiếu đồng bộ, chưa gắn kết phù hợp với phát triển đô thị; chưa thiết lập, tạo dựng đầy đủ được các khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị để ổn định đời sống công nhân và gia đình công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhiều nơi, quy hoạch bố trí xây dựng khu nhà ở cho người lao động gắn, kề với khu công nghiệp, khu nhà máy cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện về môi trường, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đời sống cơ bản cho công nhân và gia đình công nhân.
Thực trạng này có một số nguyên nhân từ công tác quy hoạch, trong đó có nguyên nhân về cách tiếp cận lập quy hoạch. Trong quy hoạch cấp tỉnh, tiếp cận lập quy hoạch về bố trí phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và bố trí phát triển đô thị còn thiếu đầy đủ, hợp lý với mối quan hệ khách quan giữa phát triển khu công nghiệp và phát triển đô thị hóa. Quan hệ giữa quy hoạch khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (nói chung là khu công nghiệp) và quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh cần được xem xét và tiếp cận lập quy hoạch đầy đủ, phù hợp trên các mặt quan hệ cả về chiều ngang và chiều dọc.
Quan hệ theo chiều ngang giữa quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh là quan hệ giữa các hợp phần quy hoạch khu chức năng có tính chất quan hệ liên đới mật thiết với nhau.
Ở các nước, trong lập quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch phân bố khu công nghiệp và quy hoạch phân bố đô thị (gồm đô thị và khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị không nằm trong phạm vi đô thị) đặt trong mối quan hệ theo chiều ngang là những hợp phần quy hoạch phân bố khu chức năng có quan hệ liên đới mật thiết với nhau. Thường là bố trí khu công nghiệp được đặt trong lập phương án quy hoạch đô thị. Tiếp cận quy hoạch đặt trong mối quan hệ như vậy, đảm bảo sự kết dính thống nhất, đồng bộ cao giữa phân bố khu công nghiệp và phân bố phát triển đô thị, cả hai luôn cùng nằm trong một phương án quy hoạch khu chức năng trong quy hoạch tỉnh.
Trong nước hiện nay, theo Luật Quy hoạch 2017, Điều 27 về nội dung quy hoạch tỉnh có yêu cầu quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị nhưng đặt đây là các phương án quy hoạch theo ngành lĩnh vực có tính chất độc lập, riêng rẽ với nhau. Mặt khác, yêu cầu về nội dung quy hoạch hệ thống đô thị mới xác định quy hoạch đô thị theo tính chất đơn vị hành chính, chưa xác định yêu cầu nội dung về quy hoạch phân bố hệ thống khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị nằm ở khu vực nông thôn hay trên địa bàn tỉnh nói chung. Đặc biệt là những khu nhà ở đô thị cần quy hoạch để đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp.
“Quy hoạch tỉnh xác định phương án quy hoạch hệ thống đô thị, bao gồm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đã được xác định trong quy hoạch vùng trên địa bàn; phương án phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn; phương án phát triển hệ thống khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn và phương án phát triển các cụm công nghiệp”. Điều này, dẫn đến tình trạng cả trong quy hoạch tỉnh và trong thực tế triển khai thực hiện, tính gắn kết, đồng bộ còn thấp giữa phát triển các khu công nghiệp và phát triển đô thị, khu nhà ở đô thị cho người lao động tại khu công nghiệp.
Quan hệ theo chiều dọc giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh là quan hệ từ trên xuống – từ dưới lên trong phương án quy hoạch đô thị có bố trí phát triển khu công nghiệp.
Ở nhiều nước nhất là các nước châu Âu, trong lập quy hoạch vùng, tỉnh, bên cạnh việc lập phương án phân bố các khu chức năng bao gồm cả cho công nghiệp, trong phương án quy hoạch đô thị còn bao gồm cả bố trí phát triển các khu công nghiệp thuộc phạm vi đô thị và trong nhiều trường hợp còn gồm cả phân bố các khu công nghiệp nằm ngoài phạm vi đô thị nhưng có quan hệ phát triển mật thiết với đô thị. Khi đó, trong phương án quy hoạch đô thị, quy hoạch bố trí khu công nghiệp là một nội dung trong quy hoạch đô thị và được xác định là quy hoạch bố trí một khu chức năng đô thị hay một đô thị công nghiệp, khu nhà ở đô thị – khu công nghiệp đồng bộ, thống nhất với các khu chức năng của một đô thị lớn hay cả mạng lưới đô thị, khu nhà ở đô thị trên địa bàn.
Quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch khu công nghiệp lúc này là quan hệ chiều dọc từ trên xuống – từ dưới lên và ngược lại, trong đó quy hoạch bố trí khu công nghiệp phải dựa trên cơ sở, điều kiện về phát triển đô thị, nhà ở. Tiếp cận lập quy hoạch như vậy, đảm bảo cho việc quy hoạch bố trí phát triển các khu công nghiệp được xem xét kỹ lưỡng đầy đủ ở các khía cạnh cả về phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, nhà ở và những khía cạnh quan trọng khác liên quan đến bố trí khu ở cho dân cư, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Phát triển khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch đô thị. (Ảnh minh hoạ)
Ở Việt Nam trong quy hoạch tỉnh hiện nay, quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị là hai hợp phần quy hoạch riêng rẽ sau đó được tích hợp lại với nhau. Như vậy, trong quá trình lập phương án quy hoạch đô thị ít có điều kiện đi sâu từ đầu về bố trí khu công nghiệp, đô thị công nghiệp, khu dịch vụ đô thị khu công nghiệp gắn liền mật thiết với điều kiện phát triển đô thị. Điều này ảnh hưởng đến tính gắn kết, đồng bộ nhất thể trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch về phát triển khu công nghiệp và phát triển đô thị, nhà ở liên quan đến khu công nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm nói chung về quy hoạch còn có điểm thiếu tính chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế. Chưa xác định cụ thể trong phương án quy hoạch đô thị cần có nội dung bố trí quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp (nếu có) như một khu chức năng đô thị hay bố trí phát triển khu đô thị gắn kết với phát triển khu công nghiệp.
Một số giải pháp nâng cao tính gắn kết thống nhất, phù hợp và bền vững giữa quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh:
Thứ nhất, đổi mới cách tiếp cận lập quy hoạch tỉnh, trong đó xây dựng phương án quy hoạch bố trí khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao và quy hoạch đô thị đặt trong mối quan hệ cả theo chiều ngang và chiều dọc.
Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quy hoạch bao gồm cả quy hoạch đô thị. Trong đó, phương án quy hoạch đô thị cần có nội dung quy hoạch bố trí khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (nếu có); bố trí quy hoạch các khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị cho khu công nghiệp, khu đô thị công nghiệp, quận công nghiệp, đô thị công nghiệp và đô thị chức năng chuyên ngành nghề khác (đô thị/khu đô thị cảng biển, đô thị cảng biển – công nghiệp…).
Thứ ba, phối kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các chuyên gia quy hoạch về phát triển công nghiệp, đô thị và trong những lĩnh vực quan trọng liên quan khác trong xây dựng phương án quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị. Phát huy tham gia của các hiệp hội ngành nghề trong góp ý, đánh giá thẩm định quy hoạch tỉnh và phương án quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch đô thị. Nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí đánh giá thẩm định quy hoạch cụ thể, rõ ràng đối với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong đó đưa vào tiêu chí đánh giá tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch phát triển khu công nghiệp./.