Phát triển không gian đô thị khu vực ven sông tại Nha Trang

TP. Nha Trang có hệ thống sông ngòi phong phú, trong đó các con sông như: Sông Cái, sông Kim Bồng, sông Quán Trường… chảy trong lòng thành phố rồi đổ ra biển, rất thuận lợi để phát triển du lịch và các khu đô thị ven sông.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Tuy nhiên hiện nay, nhìn chung khu vực ven sông ở Nha Trang còn khá tĩnh lặng. Nhiều khu dân cư dù nằm ngay cạnh trung tâm TP. Nha Trang nhưng vẫn có phần tách biệt, do chất lượng đô thị khá thấp, đường sá nhỏ hẹp.

Điểm sáng có thể nhận thấy là dọc sông Quán Trường, trước kia là vùng đầm lầy, nhưng từ khi dự án đường Vành đai 2 có chiều dài toàn tuyến hơn 11km, rộng từ 39m – 43m kết nối trục Bắc – Nam của TP. Nha Trang được đưa vào khai thác đầu năm 2021, đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho khu vực này. Hiện nay, đây được xem là “cung đường vàng” khi đi ngang qua hàng loạt dự án khu đô thị như: VCN Phước Long, VCN Phước Hải, Hà Quang 1, Hà Quang 2, An Bình Tân, Nam Vĩnh Hải… Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng chỉ ở bờ sông phía Đông, còn khu phía Tây bờ sông Quán Trường vẫn chờ triển khai. Trong khi đó, các cồn bãi nằm giữa những con sông chảy qua TP. Nha Trang được coi là vị trí lý tưởng, nhưng mới chỉ có một số dự án được triển khai như: Dự án Champa Island ở khu vực sông Cái, dự án Lotus Island Nha Trang thuộc khu vực sông Quán Trường…

Khu vực sông Cái chảy qua TP. Nha Trang, rồi đổ ra biển
Khu vực sông Cái chảy qua TP. Nha Trang, rồi đổ ra biển.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc phát triển không gian đô thị ven sông là xu thế tất yếu. Ở Việt Nam, các khu đô thị ven sông cũng ngày càng trở nên đắt giá và được ưa chuộng. Trong khi đó, quỹ đất lớn ven các con sông chảy qua TP. Nha Trang rất đắc địa, nhưng tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là trong thời gian dài, các khu đô thị, dự án vẫn chủ yếu “mọc” lên ở hướng biển. Sự đầu tư về hạ tầng ven sông chưa được chú trọng. Du lịch gắn với đường sông dường như chưa được khai thác.

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa cho biết, TP. Nha Trang là nơi sở hữu nguồn tài nguyên quý giá của thiên nhiên ban tặng về thời tiết, khí hậu, bãi biển, cùng với đó là hệ thống sông ngòi đan xen vào trung tâm. Đây là điểm nhấn có giá trị cao về cảnh quan, môi trường. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp sẽ tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch cho địa phương. Ở góc độ bất động sản, những dự án sở hữu vị trí ven sông có giá trị hơn nhờ lợi thế cảnh quan và không gian thoáng đãng khi ở gần nguồn nước. Tầm nhìn ven sông luôn rộng mở giúp tạo cảm giác thư thái cho chủ nhân mỗi khi trở về nhà.

Ông Hoàng chia sẻ: “Theo nghiên cứu khoa học, không gian sống xanh gần với thiên nhiên sẽ tạo điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhà ở tại các khu đô thị ven sông sẽ giúp cải thiện khí hậu hiệu quả, hơi nước góp phần giảm nhiệt không khí và tạo cảm giác tươi mát. Đặc biệt, khi những dãy nhà cao tầng mọc lên ở trung tâm ngày càng nhiều, tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt, mật độ dân số liên tục tăng và chỉ số ô nhiễm bụi, không khí luôn ở mức cao… khiến cho giá trị của các bất động sản ven sông ngày càng tăng”.

Đối với các quốc gia phát triển trên thế giới, con sông được ví như là kho báu và lá phổi nhân tạo. Về phong thủy, cư dân tại các khu đô thị sở hữu không gian xanh rộng lớn ven sông có chỉ số hạnh phúc rất cao. Đó là lý do vì sao các thành phố đắt đỏ nhất đều có một con sông huyết mạch chảy qua và trở thành điểm tựa tinh thần đối với giới nhà giàu. Tại Việt Nam, sản phẩm bất động sản ven sông đang trở thành loại hình đẳng cấp, bởi dưới góc độ phong thủy, nước chính là nguồn năng lượng tích cực, là nguồn cội của sự sống, sự thịnh vượng, sinh sôi và sức khỏe nên mặc dù có mức giá đắt đỏ, các bất động sản cao cấp ven sông vẫn luôn có nhiều người sở hữu. Đặc biệt, các dự án nằm ở nơi giao nhau giữa sông và biển được quy hoạch bài bản sẽ trở thành cánh cửa thiên đường để giới thượng lưu chạm đến vì niềm tin tâm linh về giá trị phong thủy.

Phát triển không gian đô thị ven sông

Để cải tạo, phát triển khu vực ven sông tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu dân cư dọc bờ sông Cái Nha Trang. Theo đó, khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích 141,76ha thuộc địa giới hành chính các phường: Phương Sơn, Ngọc Hiệp và Phương Sài.

Dự án đường Vành đai 2 được đưa vào khai thác đầu năm 2021, đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho khu vực ven sông Quán Trường.
Dự án đường Vành đai 2 được đưa vào khai thác đầu năm 2021 đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho khu vực ven sông Quán Trường.

Theo quy hoạch trên, tương lai khu vực này sẽ có nhiều thay đổi. Tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường, kè kết hợp các vườn hoa, quảng trường ven sông Cái gắn với các dãy phố hướng ra sông. Xây dựng tuyến đường chính hướng Đông – Tây đi cách sông Cái một dãy phố, kết nối với cầu vượt đường sắt, nối với khu vực Tây Nha Trang và kết nối với đường ven sông Cái; tổ chức các tuyến đường ven sông Kim Bồng…

Theo quy hoạch, hệ thống trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị ven sông Cái; trung tâm đô thị ven sông Kim Bồng và sông Bà Vệ; trung tâm đô thị ven tuyến đường 23 Tháng 10 và đường Lương Định Của; trung tâm đô thị mới ven các tuyến đường đô thị mới mở, hình thành trên cơ sở khuyến khích phát triển dịch vụ tại các khu đất tái phát triển – tái định cư. Chức năng chính của các khu trung tâm gồm: Các tổ hợp công trình dịch vụ, nhà ở và công trình hỗn hợp, gắn với các dịch vụ du lịch (khuyến khích xây dựng cao tầng); kết hợp các cấu trúc đô thị lớn (những khối nhà cao tầng) với các cấu trúc đô thị nhỏ (các dãy phố và cụm công trình đơn lẻ, thấp tầng).

Đáng chú ý, về quy hoạch không gian, khu vực trung tâm đa chức năng phát triển mới tại khu vực ven sông Cái có chiều cao xây dựng tối đa là 40 tầng; tại khu vực ven sông Bà Vệ, chiều cao xây dựng tối đa là 35 tầng. Tại một số điểm đường chính đô thị có lộ giới hơn 20m trong các đô thị cải tạo và tái phát triển, nếu diện tích đất hơn 1.000m2 thì chiều cao tối đa là 20 tầng, với diện tích đất hơn 3.000m2 thì chiều cao tối đa là 25 tầng.

Tháng 9/2021, kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu tổ chức không gian đô thị ven sông (sông Cái, sông Quán Trường) với tầm nhìn mới, ý tưởng đột phá, táo bạo nhằm khai thác hiệu quả cảnh quan, không gian ven sông; không chỉ quy hoạch xây dựng nhà cao tầng “hướng biển”, mà còn quy hoạch nhà cao tầng dọc ven sông…

Dự án Đập ngăn mặn sông Cái là dự án đa mục tiêu, không chỉ nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn, mà còn kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường Vành đai 2, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TP.Nha Trang.
Dự án Đập ngăn mặn sông Cái là dự án đa mục tiêu, không chỉ nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn, mà còn kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường Vành đai 2, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho TP.Nha Trang.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho rằng, việc phát triển không gian đô thị ven sông là cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng con sông. Tuy nhiên, cần bảo đảm không tác động đến dòng chảy của dòng sông; đảm bảo cảnh quan, phát triển hài hoà với không gian đô thị chung của TP. Nha Trang, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa cho biết thêm, ở Việt Nam đã từng có nhiều kỳ tích phát triển kinh tế được gắn liền với những con sông và những cuộc cách mạng thay đổi diện mạo đô thị bên sông như sông Hồng (Hà Nội), sông Hàn (Đà Nẵng), sông Sài Gòn (TP.HCM)… Sự phát triển này đã cho thấy chân lý khi dòng chảy được khơi thông thì hai bên bờ sông sẽ có tiềm lực để vươn mình mang lại sự thịnh vượng cho cả khu vực.

Cho dù ở thời kỳ nào, việc quy hoạch và phát triển đô thị, cải tạo diện mạo xung quanh những con sông vẫn luôn được xem trọng bởi yếu tố giá trị lịch sử, phong thủy, cảnh quan, giao thông hay khí hậu. Đầu tư đô thị ven sông, đầu tư cuộc sống xanh sẽ là một xu thế tất yếu và cũng là một sự thay đổi hợp thời đại để con người chung sống với thiên nhiên.

Hiện nay, xu hướng quy hoạch đô thị và nhà ở ven sông đã được các quốc gia tiên tiến trên thế giới phát triển rất mạnh trong vài thập niên gần đây. Việc xây dựng các bất động sản ven sông giúp gia tăng hiệu quả của quy hoạch đô thị và còn mang đến nhiều lợi ích lớn cho mọi cư dân sở hữu nhà ở tại những khu vực này. Con người sinh sống trong không gian này cũng được cho là nhận nhiều sinh khí hơn, cảm giác luôn thư thái và an nhiên. Đồng thời, giá bất động sản ven sông tại các thành phố lớn thường cao hơn từ 30% so với bất động sản ở các khu vực khác.

Thị trường bất động sản Khánh Hòa đang có nhiều động lực và quyết tâm triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, quy hoạch không gian đô thị ven sông được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực mới thúc đẩy việc thu hút đầu tư với sự quan tâm của không ít doanh nghiệp cả trong và ngoài nước về cơ hội triển khai các dự án mới./.

Đầu tư hạ tầng, tạo động lực phát triển

Hiện nay, hạ tầng khu vực hai bờ sông Cái Nha Trang đang được chú trọng đầu tư phát triển. Trong đó, dự án Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang có tổng vốn đầu tư 760 tỷ đồng đã được khởi công từ tháng 9/2020… Đây là dự án đa mục tiêu, không chỉ nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đảm bảo mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa, mà còn kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường Vành đai 2, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho TP. Nha Trang; cải tạo môi trường sinh thái và phục vụ giao thông thủy, phát triển du lịch dọc sông Cái; điều tiết một phần dòng chảy sang phía sông Tắc, sông Quán Trường để cải tạo môi trường đô thị cho phía Tây và Nam thành phố. 

Dự kiến cuối năm 2022, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, dự án xây mới Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái (nằm trên tuyến Quốc lộ 1C) cũng dự kiến triển khai trong quý IV/2021. Cầu mới có chiều dài gần 330m, chiều rộng mặt cầu 19m, với 4 làn xe, sẽ cải thiện điều kiện giao thông, tạo thêm “điểm nhấn” du lịch trên sông Cái cho TP. Nha Trang.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích