Phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa

Trình bày Tờ trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng…

Phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Thẩm tra dự án Luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các đại biểu đã cho ý kiến về địa hạt công chứng, tập sự hành nghề công chứng, tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, công chứng bản dịch, công chứng điện tử…

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tiếp thu các ý kiến phát biểu…để hoàn thiện dự thảo Luật.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích