Phát triển hai bờ sông Sài Gòn trên nền di sản
Phát triển hai bờ sông Sài Gòn trên nền di sản
“Xưa, cũng ra tới sông vầy nhưng là lội mé dưới, để tụi nó không phát hiện, ban ngày nó bắn rát nên phải đợi tới đêm mới lội…”.
Ngồi trên chiếc xe buýt đường sông, gió chiều lồng lộng, tiếng chú Lê Xuân Hoàng (Tám Tiến), nguyên Bí thư Quận ủy quận 1, TP.HCM, cứ dập dềnh theo con nước: “Xưa, cũng ra tới sông vầy nhưng là lội mé dưới, để tụi nó không phát hiện, ban ngày nó bắn rát nên phải đợi tới đêm mới lội…”.
Vừa kể chú vừa chỉ về phía bờ Thủ Thiêm, thời kháng chiến là địa bàn hoạt động của chú và đồng đội. Rồi chuyến tham quan kết thúc, mọi người lên bến. Nhìn hình ảnh chú Tám bước ra, ngược lại là hàng du khách xếp dài, chờ soát vé qua cổng xuống tour du lịch buýt đường sông, tất cả như một “dòng chảy” luân lưu giữa hôm qua và hôm nay, của tập tính “trên bến dưới thuyền”, chở theo nguồn sống không ngừng kế tục, sinh sôi, thích nghi, phát triển.
Trước đó không lâu, cũng trên dòng sông này là cuộc hội ngộ của hai lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, góp mặt thêm giám đốc của các sở: QH – KT, Xây dựng, Du lịch. Đó được xem như là một cuộc khảo sát thực địa; cũng có thể là một tour thực nghiệm để vừa quan sát trực quan vừa có ý kiến trao đổi, gợi ý giữa những nhà chuyên môn, những người quản lý lĩnh vực, chuyên ngành và cả những người chịu trách nhiệm về chiến lược quy hoạch thành phố (mà con sông Sài Gòn là một trong những điểm quy chiếu trung tâm).
Cũng cần nói thêm, trước chuyến đi này, đồng chí Nguyễn Văn Nên và đồng chí Phan Văn Mãi đã đến thăm học giả Nguyễn Đình Đầu, dành nhiều thời gian lắng nghe “Người của trăm năm” kể về điều ông đã viết “…Từ khi lúa gạo thành hàng hóa thì Sài Gòn có thêm nhiều chợ (thị) để buôn bán, nhiều phố để giao dịch chứa hàng, nhiều bến cảng để thuyền bè xuất nhập. Do đấy Sài Gòn đã trở nên thành phố hay thành thị rất sớm…” (Địa chí Văn hóa TP. HCM, Nhà Xuất bản TP. HCM, 1987). Để từ đó, những lãnh đạo thành phố biết thêm và hiểu sâu hơn những gì cần và nên làm, không nên làm trong ứng xử với dòng sông, với tài nguyên của thành phố.
Nối tiếp là 2 cuộc khảo sát sông và quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông thủy – bộ, đô thị ven sông, kinh tế hành lang sông của lãnh đạo TP. HCM tại Pháp, Trung Quốc. Tất cả được xem như dữ liệu thực để bổ sung và hoàn thiện cho bản quy hoạch (điều chỉnh) tổng thể về TP. HCM và quy hoạch kinh tế – xã hội thành phố đang được thực hiện. Ở đó, cùng lúc tập trung đầu tư – gắn với thụ hưởng – các không gian cộng đồng như bến thủy, công viên, đường đi bộ, xe đạp, các khu thương mại dọc hai bên bờ và đầu tư – đẩy mạnh khai thác dịch vụ – mạng lưới giao thông thủy bao gồm buýt đường sông, tàu chở hàng trong hệ logistics, các bến thủy nội địa (giai đoạn 1 có các bến sông ở quận 1, 7, Bình Thạnh và 2 bên bờ kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước lên), các cây cầu nối 2 bờ sông (giai đoạn 1 có cầu đi bộ, cầu Thủ Thiêm 4 và các cầu dân sinh dọc theo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước lên).
TP. HCM có sông Sài Gòn, với bờ Tây tập trung hầu hết di sản văn hóa – lịch sử của thành phố, bờ Đông là Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm trong TP Thủ Đức (với mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương) và đang lập đề án về Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. HCM.
Chúng ta có thể xem xét, đề xuất cơ chế mở: Chính phủ đầu tư tập trung – dài hạn để phát triển cơ sở hạ tầng (gồm đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, đường sắt đô thị, các đầu mối giao thông tổng hợp…) để tạo lực, tạo đà phát triển cho thành phố và các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ; Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, qua từng mục tiêu – chỉ tiêu cụ thể để đánh giá chính quyền địa phương (cũng là đánh giá năng lực cán bộ). Cuối cùng, đưa con sông Sài Gòn trở ra điểm tiếp giáp của nơi “nước chảy chia hai”, từ đó hướng theo Cần Giờ hòa vào biển lớn, là một quy hoạch đang từng bước được hiện thực hóa với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – vốn là một trong 2 chức năng cơ bản của cảng thị đã có từ thời xưa.
Với tất cả sự cẩn trọng cần thiết và minh định mọi chỉ số để nếu có thể phải đánh đổi thì cũng là trong biên độ cho phép (của sự “ứng xử phù hợp với lịch sử lâu dài của một vùng đất, một cộng đồng” như khuyến cáo của TS Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu), lãnh đạo thành phố đã và đang xác quyết một hướng đi: nương tựa vào thiên nhiên để phát triển xã hội, tôn trọng và gìn giữ di sản bằng thái độ vừa bảo vệ vừa tìm mọi cách để tạo ra những “di sản” mới theo quy luật tất yếu.
Chiếc xe buýt đường sông đưa du khách ngang qua bến Nhà Rồng. Từ con sông này, từ bến cảng này, vận nước đã thay đổi để đi tới ngày độc lập, tự do, thống nhất; vẫn với dòng chảy đó và sức sống của tập quán “trên bến dưới thuyền”, hoàn toàn có thể tiếp nối để thích ứng với hoàn cảnh mới mà phát triển sức mạnh nội lực của thị trường, tạo ra mãi lực của kinh tế hành lang sông từ một đô thị cảng sông.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị