Phát triển hạ tầng giao thông gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường
Phát triển hạ tầng giao thông gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường
Bên cạnh ưu tiên bảo vệ cảnh quan môi trường trong triển khai các dự án, Quảng Ninh còn đặc biệt chú trọng trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ cho các dự án đầu tư.
Sau gần 10 năm kiên trì phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông động lực, đến nay Quảng Ninh có sân bay, cảng biển quốc tế, đường cao tốc dọc tỉnh. Quá trình thực hiện các dự án này, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hài hoà giữa phát triển dự án với bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch…
Cảnh quan được bảo vệ
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong, điển hình về phát triển hạ tầng giao thông trong một thời gian ngắn, được trung ương đánh giá cao. Có được điều này, tỉnh không chỉ làm tốt việc huy động các nguồn vốn trên quan điểm “Nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”; mà còn lấy con người, lòng dân, ý Đảng để thực hiện.
Trên cơ sở đó, hầu hết các dự án triển khai hướng đến phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững làm nền tảng để triển khai. Nhờ vậy, công tác GPMB – một trong những khâu quyết định thành công của dự án, được thực hiện rất nhanh, cảnh quan môi trường được giữ vững.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các dự án, phát triển mở rộng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nêu cao quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hài hoà giữa phát triển dự án với bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Vì thế, ưu tiên bảo vệ cảnh quan môi trường là quan điểm được thực hiện xuyên suốt ở tất cả các dự án.
Điển hình tại dự án cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên (dài 16km), để giữ nguyên trạng diện tích rừng ngập mặn 2 bên tuyến, 8 vị trí thiết kế mới đã được điều chỉnh, thay thế cho các phương án trước đó. Cụ thể, tại tất cả các vị trí thay đổi thiết kế được mở rộng khẩu độ thoát nước, nhằm đảm bảo điều kiện sinh trưởng bình thường của gần 500ha rừng ngập mặn trên dọc tuyến. Trong đó, tại khu vực cầu Đài Xuyên 1, chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh theo hướng nâng chiều dài cầu từ 120m như thiết kế ban đầu lên gần 500m để bảo tồn nguyên trạng diện tích gần 90ha rừng ngập mặn tại đây.
Dự án cao tốc Tiên Yên – Móng Cái (dài gần 60km), các phương án thiết kế, thi công được chủ đầu tư thực hiện với phương châm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là việc sinh trưởng của rừng ngập mặn.
Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, thay đổi thiết kế từ phá núi làm đường sang phương án thi công hầm xuyên núi đã góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, bảo tồn nguyên trạng hàng chục ha thảm thực vật trên núi đá vôi. Dự án Cầu Cửa Lục 3, phương án thiết kế cũng được thay đổi nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn tại khu vực Vịnh Cửa Lục.
Bên cạnh ưu tiên bảo vệ cảnh quan môi trường trong triển khai các dự án, Quảng Ninh còn đặc biệt chú trọng trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ cho các dự án đầu tư. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2014 đến nay có gần 2.300ha rừng thay thế được trồng, đạt trên 95% kế hoạch; chất lượng rừng trồng được đảm bảo với tỷ lệ 90% cây sinh trưởng tốt.
Từ rất sớm tỉnh đã nhìn nhận cụ thể, đánh giá rõ những thách thức trong quá trình phát triển để kịp thời triển khai các giải pháp ngăn chặn những nguy cơ, tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, thiên nhiên. Từ đó, phát triển gắn với bảo vệ môi trường bền vững, giúp Quảng Ninh xây dựng hình ảnh mới, không chỉ hấp dẫn du khách và nhà đầu tư, mà còn là niềm tự hào của nhân dân trong tỉnh.
Động lực phát triển bền vững
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là một trong 3 đột phá chiến lược được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025 và lâu dài. Ngay sau Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, tiếp nối những thành công về phát triển hạ tầng, tỉnh triển khai nhiều công trình giao thông mới có tính liên kết cao. Trong đó, tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước (dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 58.700 tỷ đồng) như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông.
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ tỉnh đến địa phương, nguồn vốn bố trí kịp thời chính là động lực để các công trình, dự án trọng điểm về giao thông của Quảng Ninh ngay sau khi khởi động đã nhanh chóng “vào guồng” tăng tốc thi công. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thi công hoàn thành gần 50 công trình giao thông, như Cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái…
Những công trình đang trong giai đoạn triển khai cũng được tăng tốc thực hiện để sớm tạo được sự liên thông, đồng bộ. Điển hình như dự án Cầu Cửa Lục 3 nối đôi bờ Cửa Lục sẽ đưa Hạ Long trở thành đô thị đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đóng vai trò kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội… Đây đều là các dự án giao thông mang ý nghĩa “mở đất, mở đường” kết nối với khu vực, quốc tế tạo ra dư địa phát triển mới cho tỉnh.
Để tăng cường liên kết vùng, kết nối khu vực, Quảng Ninh đang hoàn thiện thủ tục đầu tư đường ven sông nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với TX Đông Triều, dài 41,2km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuyến đường có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng trên hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Đồng thời đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn mà mỗi địa phương đang sở hữu, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng phía Tây cũng như hạt nhân đô thị Hạ Long; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư…
Tỉnh đang nghiên cứu để đầu tư đường kết nối Hạ Long – Lạng Sơn và Hạ Long – Bắc Giang. Đây là những tuyến giao thông quan trọng kết nối, liên kết vùng, nhất là kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch của 3 địa phương. Đồng thời giảm thời gian di chuyển từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Hạ Long và ngược lại; giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền, tạo động lực để đồng bào dân tộc các địa phương vùng cao thoát nghèo…
Như vậy, giai đoạn tới, hạ tầng giao thông Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Sự đổi mới mạnh mẽ với những chiến lược phát triển khác biệt, bền vững của Quảng Ninh thông qua những dự án giao thông mới đã khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh với quan điểm giao thông “đi trước, mở đường” sẽ là cơ sở để tỉnh triển khai các quy hoạch phát triển, phân bổ nguồn lực đồng đều giữa tất cả các khu vực trong tỉnh thời gian tới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị