Phát triển du lịch tâm linh: Cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản

(Xây dựng) – Du lịch tâm linh là hình thức du lịch dựa trên cơ sở khám phá văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh vừa có mục đích đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Du lịch tâm linh không chỉ mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới, mà còn chứa đựng những giá trị, trải nghiệm tinh thần hết sức thiêng liêng. Vì vậy, những năm gần đây, công tác trùng tu, tôn tạo các công trình tâm linh được các địa phương quan tâm khai thác phát triển, góp phần gia tăng việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Phát triển du lịch tâm linh: Cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Chùa cổ Tam Chúc (Hà Nam) với niên đại hơn 1.000 năm.

Trùng tu, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng; sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước.

Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân; hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất các hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Việt Nam đang chứng kiến sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Khu du lịch tâm linh Tam Chúc với Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam …

Phát triển du lịch tâm linh: Cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Rất đông du khách hướng về Đền Hùng ngày đầu xuân.

Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với sự phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả. Chính vì vậy, để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian qua, các địa phương đã chú trọng bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các địa phương cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa trong việc trùng tu di tích lịch sử, văn hóa.

Hà Nam hiện có 1784 di tích (trong đó có 551 đình, 490 chùa, 306 đền và các miếu, phủ, văn chỉ, từ đường có giá trị các loại). Trong đó đã có 227 di tích (02 di tích quốc gia đặc biệt, 91 di tích quốc gia và 134 di tích cấp tỉnh).

Theo Luật Du lịch quy định, tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình sáng tạo của con người được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch: là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch. Theo đó, các di tích trên địa bàn tỉnh cũng đã trở thành bộ phận đặc biệt trong cơ cấu “tài nguyên du lịch” của tỉnh. Các di tích đó, cả về mặt nội dung lẫn hình thức, đều có khả năng tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng cho ngành du lịch Hà Nam hiện nay và cho tương lai. Những năm qua, các cấp các ngành của tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Lập hồ sơ lý lịch bảo vệ di tích, thực hiện công tác quản lý di tích; … xây dựng đề án quy hoạch và phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, đặc biệt là công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Trước thực trạng các di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay bị xuống cấp do nhiều yếu tố, công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được chính quyền quan tâm, ưu tiên triển khai thực hiện. Giai đoạn từ 2015 đến nay, tỉnh đã ban hành Đề án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng cấp tỉnh (giai đoạn 2016-2021) ; Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh giai đoạn 2021-2026. Đây là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp của các di tích,tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, giá trị văn hoá – lịch sử của quê hương, đất nước, phục vụ khai thác có hiệu quả giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng của quê hương, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân; tạo nền tảng để phát triển du lịch bền vững, quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người và văn hóa Hà Nam với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế.

Tại Bắc Giang, những năm gần đây, lượng khách đến thăm quan, chiêm bái các điểm di tích ngày một đông. Đó là nhờ sự quan tâm khai thác phát triển của Tỉnh ủy, với các điểm di tích như: chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), địa điểm chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang) và một số điểm du lịch tâm linh như: Đền Suối Mỡ, đền Thần Nông (Lục Nam), chùa Am Vãi (Lục Ngạn). Ngoài chiêm bái, ngắm cảnh, không ít đoàn chuyên gia trong nước, quốc tế đến những nơi này nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích.

Đáng chú ý, dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tuy mới hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục chính như: Khu hoàng thành, hệ thống cáp treo, chùa Hạ, chùa Thượng… song được nhiều du khách đến vãn cảnh, lễ bái, nhất là dịp đầu năm và các tháng hè. “Nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi năm khu du lịch này đón hàng vạn khách đến tham quan”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử nói.

Cùng với tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, xếp hạng các di tích, khôi phục lễ hội truyền thống, việc xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là khi thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-TU, ngày 30/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020.

Có thể kể đến một số dự án đã được xây dựng, hoàn thành như: Đường vành đai IV nối cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn qua các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa tạo tuyến giao thông thuận tiện đến chùa Bổ Đà (Việt Yên); đường tỉnh 293 kéo dài, đoạn Thanh Sơn – Hạ Mi giao với quốc lộ 279 (Sơn Động) kết nối tỉnh Quảng Ninh với Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử…

Tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cùng với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, huyện huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem, chùa Thiên Lai, đền Thanh Nhàn; các dự án đầu tư phát triển du lịch trên dãy núi Nham Biền, từ đó tạo điểm nhấn thu hút khách. Đáng chú ý, Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử cũng đang được nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng tổng hòa yếu tố về tâm linh, sinh thái, lịch sử, văn hóa.

Tại Hải Dương, được sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thực hiện theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích gắn với phát triển du lịch, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã được thực hiện tốt. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc không ngừng được đầu tư xây dựng. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh.

Từ năm 2015 đến nay một số các hạng mục di tích đã và đang được hoàn thành như sau: Hoàn thiện thi công giai đoạn 1 dự án Đường vào đền Kiếp Bạc. Xây dựng mới bãi đỗ xe số 3 Côn Sơn (diện tích 2ha). Thi công hoàn thiện nhà Tổ đường chùa Côn Sơn. Phục dựng tòa Cửu Phẩm liên hoa, hậu đường và tả hữu tiền hành làng, gác chuông chùa Côn Sơn.

Trong năm 2020, đã tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc với các hạng mục: Tả hữu Thành các, tả hữu Giải vũ, Am hóa vàng. Hoàn thành việc thi công xây dựng Cầu An Lĩnh, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường phục vụ lễ hội. Phối hợp với UBND xã Hưng Đạo thực hiện việc di chuyển dãy hàng quán, dịch vụ hai bên đường thần đạo ra vị trí mới theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Cải tạo cảnh quan khu vực cầu vào đền thờ Nguyễn Trãi, khu vực chùa Côn Sơn… Hoàn thiện dự án tu bổ, tôn tạo Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn. Phối hợp thi công đầu tư tuyến đường hồ phía Nam, từ bãi xe số 2 ra khu vực đê sông Thương. Phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện việc di chuyển dãy hàng quán, dịch vụ bên đê sông thương ra vị trí mới phù hợp với cảnh quan, môi trường. Tích cực cải tạo, tu sửa, nâng cấp các công trình phụ trợ, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, an toàn khu di tích và hiệu quả công việc. Hoàn thiện các khu trải nghiệm tại khu di tích…

Phát triển du lịch tâm linh: Cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn thu hút ngày càng đông khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhập, việc làm cho nhân dân địa phương.

Thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam cho biết: Phát triển du lịch gắn với khai thác, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều di sản văn hóa được phục hồi, trung tù, tôn tạo, nâng cấp, nhất là di tích tâm linh, di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội, làng nghề truyền thống,… Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích được thực hiện cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tiêu biểu. Bên cạnh công tác duy tu, sửa chữa, tu bổ di tích, công tác phục hồi các hạng mục công trình kiến trúc đặc trưng vốn có ở các di tích đình, đền, chùa, miếu…. như Nhà Tả vu, hữu vu, Giải vũ, dãy hành lang, Nghi môn, Tam quan hay các hạng mục: hồ, giếng nước, Lầu chuông, Lầu trống. Tôn tạo di tích, xây dựng thêm các hạng mục, công trình phụ trợ như: Nhà đón tiếp khách, Khu vệ sinh…Công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kĩ thuật, tôn tạo sân vườn, cảnh quan di tích nhằm cải thiện môi trường cho các công trình trong di tích (thành phần – yếu tố gốc), nâng cấp và bảo tồn các giá trị vốn có của di tích, đám bảo nhu cầu, công năng sử dụng phát huy giá trị, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tâm linh của nhân dân, từng bước trở thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn thu hút ngày càng đông khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhập, việc làm cho nhân dân địa phương.

Phát triển du lịch tâm linh: Cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Giai đoạn 2020 – 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ngành du lịch bị ảnh hưởng, tuy nhiên ngay khi dịch được kiểm soát, nền kinh tế trong nước nhanh chóng phục hồi đã thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Riêng trong những ngày nghỉ đầu Tết Quý Mão 2023, lượng du khách đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Từ một vùng lau sậy mọc lút người, hang cùng ngõ hẻm, chim kêu vượn hú không một bóng người ở trong vùng núi đá vôi Tràng An, vùng đất cằn cỗi đến cây lúa còn khó mà mọc. Thế nhưng, đến bây giờ, Quần thể Danh thắng Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung luôn luôn lọt top những điểm đến hấp dẫn được du khách khắp thế giới bình chọn như: Top 5 điểm đến có vẻ đẹp “hoang sơ như viên ngọc quý” ở Đông Nam Á; Top 10 địa điểm có bối cảnh phim đẹp nhất Châu Á; Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Top 15 kỳ quan đáng đến nhất thế giới…

Di sản Tràng An giờ đây đã là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch thế giới đã góp phần thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác phát triển như lưu trú, nhà hàng, các điểm, khu du lịch nhỏ lẻ phát triển theo, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng dần được phục dựng… đã giải quyết hàng chục nghìn lao động tại địa phương và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân.

Tiếp nối những thành công tại Quần thể Danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính tại Ninh Bình, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã mang toàn bộ trí lực, vật lực của mình về với mảnh đất Kim Bảng (Hà Nam) để phục dựng ngôi chùa cổ Tam Chúc.

Mặc dù mang lại những lợi ích không hề nhỏ nhưng du lịch tâm linh cũng giống như những loại hình du lịch khác, cũng đứng trước nhiều thách thức như: Yếu tố tâm linh có thể dễ bị thương mại hóa khi các biểu tượng tôn giáo và văn hóa có thể bị chiếm đoạt và đem bán; các địa điểm và các trải nghiệm tâm linh có nguy cơ bị hiểu sai và các nền văn hóa có thể bị vật thể hóa và bảo tàng hóa…

Các địa phương quan tâm phát triển du lịch tâm linh không chỉ bởi nguồn thu cho ngân sách hàng năm mà còn mong đợi tác động tích cực khác cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Du lịch phát triển, một lực lượng lao động không nhỏ tại địa phương có việc làm bằng việc tham gia vào rất nhiều dịch vụ đi kèm như hàng hóa, sản phẩm phục vụ khách, giao thông – vận tải, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí… Khi lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch đông, các ngành kinh tế khác của địa phương cũng được phát triển như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ…

Với định hướng khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch liên kết vùng, có thể thấy, du lịch tâm linh đã và đang trở thành động lực thu hút khách, thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng cho du lịch Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích