Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững

Đó là ý kiến của đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vừa qua.

Hà Nội với lợi thế về tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025, trong đó quan tâm việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Do đó, việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững
Mô hình du lịch nông nghiệp tại trang trại đồng quê Ba Vì. (Ảnh: Trang trại đồng quê Ba Vì)

Trong thời gian qua, một số trường hợp điển hình trong việc đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp tham gia hoạt động du lịch tại Hà Nội như làng lụa Hà Đông, làng gốm Bát Tràng, hay mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch như trang trại đồng quê Ba Vì, trang trại học đường Vạn An (Thanh Trì)…

Đến với những trang trại nông nghiệp, du khách được tận hưởng không khí trong lành, tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ. Du khách được nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ tại môi trường xanh, sạch, trong lành, yên bình; hòa mình vào thiên nhiên để thưởng thức những đặc sản truyền thống của mỗi vùng quê mang nét riêng biệt và không pha trộn.

Tại Hội thảo, theo TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa, Giáo dục – Văn phòng Quốc hội, có thể thấy, hoạt động du lịch tại khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được triển khai tại nhiều địa phương, trong đó đã hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa và quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng.

“Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

Do đó, để phát triển loại hình du lịch này, chúng ta cần nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng để có những giải pháp, phương thức khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”, TS. Đoàn Mạnh Cương cho hay.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, theo TS. Đoàn Mạnh Cương, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía chính quyền để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững của du lịch Hà Nội.

Còn thạc sĩ Vũ Thị Thanh Như, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là cơ sở để định hướng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng chú trọng giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, kinh tế; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm du lịch thông qua việc tránh lãng phí điện, nước, nhân công; đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch đang có xu hướng quan tâm đến môi trường, văn hóa địa phương và nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các điểm du lich trước bối cảnh cạnh tranh về du lịch ngày càng gay gắt như hiện nay.

Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của đông đảo du khách.

Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải có trách nhiệm với chính cộng đồng đó để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị văn hóa bản địa.

Chỉ khi nào người nông dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển từ chính hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương, lúc đó du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo của người nông dân.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích