Phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố thuộc thành phố Hải Phòng

(Xây dựng) – Ngày 22/4, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố thuộc thành phố Hải Phòng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Đô thị thông minh, sinh thái, thân thiện với môi trường

Theo đồ án, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và phần đảo Vũ Yên cùng mặt nước liền kề thuộc địa giới hành chính quận Hải An. Quy mô lập quy hoạch khoảng 26.910,2ha (diện tích trên địa bàn huyện Thủy Nguyên 26.191,2ha; diện tích trên địa bàn quận Hải An 719,0ha).

Về ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch, phía Bắc giáp với thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; phía Đông giáp với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp với thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; phía Nam giáp quận Hồng Bàng, quận Ngô Quyền và quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Mục tiêu phát triển nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và của thành phố Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên trở thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố Hải Phòng và của vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố thuộc thành phố Hải Phòng.

Xây dựng, phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, thành phố sinh thái thông minh; phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, cảnh quan, môi trường, văn hóa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Về tính chất, Thủy Nguyên là đô thị loại III vào năm 2025 hướng tới đô thị loại II năm 2035 với mô hình thành phố thuộc thành phố Hải Phòng; là trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng.

Đây cũng là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa thể dục thể thao, y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ; là đô thị thông minh, sinh thái, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh.

Dự báo quy mô dân số toàn thành phố đến năm 2035 khoảng 600.000 người. Đến năm 2045 khoảng 725.000 người. Về quy hoạch sử dụng đất, đến năm 2035, quy mô đất xây dựng toàn đô thị khoảng 15.595ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 6.265ha. Đến năm 2045 quy mô đất xây dựng toàn đô thị khoảng 17.443 ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 7.128 ha.

Mô hình phát triển sẽ là mô hình đô thị đa trung tâm; đô thị công nghiệp tích hợp; thành phố sinh thái – cân bằng giữa phát triển đô thị và môi trường tự nhiên; đô thị thông minh.

2 trung tâm chính, 3 hành lang xanh, 7 khu phát triển

Đô thị Thủy Nguyên phát triển theo cấu trúc đô thị với hai trung tâm chính và ba hành lang xanh. Hai trung tâm chính gồm: Một trung tâm phía Nam – trung tâm hành chính Bắc sông Cấm phục vụ cho cả thành phố Hải Phòng; một trung tâm phía Bắc tại Lưu Kiếm – Hòa Bình để trở thành lõi thu hút phát triển cho thành phố Thủy Nguyên. Ba hành lang xanh là hành lang xanh ven sông Cấm, hành lang xanh ven sông Giá, hành lang ven sông Bạch Đằng.

Dựa trên tính chất và các chức năng đô thị của Thủy Nguyên theo quy hoạch chung thành phố Hải Phòng, các định hướng phát triển đô thị Thủy Nguyên trong tương lai, thành phố Thủy Nguyên được phân làm 4 vùng không gian đô thị bao gồm: Vùng đô thị nén Bắc Sông Cấm, vùng đô thị sinh thái đa chức năng Thủy Nguyên, vùng đô thị công nghiệp tích hợp, vùng nông nghiệp sinh thái.

Phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố thuộc thành phố Hải Phòng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Đồng thời, dự kiến toàn thành phố được phân bố thành 7 khu phát triển. Khu vực nội thị sẽ có 5 phân khu gồm: Khu vực phát triển đô thị trung tâm phía Đông; khu vực phát tiển đô thị trung tâm phía Tây; khu vực phát triển đô thị Minh Đức; khu vực phát triển đô thị Lưu Kỳ – Lưu Kiếm; khu vực phát triển đô thị Quảng Thanh. Tại khu vực ngoại thị sẽ có 2 phân khu gồm: Khu phát triển nông thôn phía Đông và khu vực phát triển nông thôn phía Tây.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung đồ án, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.

Theo đó, Hải Phòng cần làm rõ yếu tố mới, định hướng phát triển mới; rà soát quản lý quy hoạch đất đai; nhấn mạnh khai thác không gian công cộng; làm rõ các khu vực trung tâm; cập nhật số liệu về đất an ninh; nghiên cứu về các dự án phát triển công nghiệp, an sinh xã hội; cần nghiên cứu kỹ về giải pháp về việc làm, môi trường, hạ tầng; rà soát về đất nông nghiệp; làm rõ mô hình tích hợp; quan tâm sắp xếp đơn vị hành chính…

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết: Thành phố và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện nội dung đồ án.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị, Hải Phòng cần rà soát, bổ sung thêm căn cứ pháp lý còn thiếu; rà soát kỹ đối với các quy hoạch cấp trên; đánh giá rõ hơn về phát triển đô thị; khă năng sử dụng đất, chỉ tiêu đô thị loại III; cấu trúc đô thị; làm rõ mối quan hệ giữa Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng.

Phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố thuộc thành phố Hải Phòng
Toàn cảnh Hội nghị.

Đồng thời, rà soát thêm về khu vực nội thị, ngoại thị; làm rõ mối quan hệ giữa tổ chức không gian với việc phát triển phân khu chức năng; đưa ra các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho từng phân khu; xem xét lại số liệu đất đai.

Nghiên cứu, bổ sung thêm giai đoạn 2030 để tạo sự kết nối với các giai đoạn khác; bổ sung phân tích ranh giới cụ thể, kiến trúc cảnh quan, mật độ xây dựng… của các phân khu, tận dụng triệt để không gian của 3 con sông, từ đó có chỉ tiêu quy hoạch của từng khu vực; quan tâm đến TOD, không gian ngầm, hệ thống giao thông kết nối, quan tâm đến giao thông đường thủy…

UBND thành phố Hải Phòng cần nhanh chóng rà soát hồ sơ, bản vẽ, chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích