Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh và bền vững

Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh và bền vững

Hải Vân –  Thứ năm, 17/11/2022 10:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề 1 có chủ đề “Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 . Hội thảo tập trung thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, đồng bộ, hiện đại; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, chất lượng sống tại đô thị nâng cao; đồng thời phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm
Quang cảnh Hội thảo.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống của cư dân đô thị vì thế ngày càng được cải thiện.

Cùng với đó, kinh tế khu vực đô thị liên tục có mức tăng trưởng cao. Khu vực đô thị cũng đã khẳng định được vai trò là động lực phát triển kinh tế, hạt nhân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung.

KTS Trần Ngọc Chính cũng thẳng thắn cho rằng, đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Cụ thể, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập: Tỉ lệ đô thị còn thấp, phát triển đô thị còn dàn trải, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Sự chênh lệch giàu nghèo trong dân cư đô thị ngày càng gia tăng. Mâu thuẫn giữa phát triển với việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hoá, lịch sử còn gay gắt…

Theo KTS Trần Ngọc Chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm đổi mới, chưa phát huy được vai trò của quy hoạch đô thị đối với sự phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn lực là yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị, nhưng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chưa chỉ ra được”, ông Trần Ngọc Chính nhận xét.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức; công tác quy hoạch đô thị chậm được đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch chưa cao.

Do đó, chúng ta cần đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng tập trung thảo luận một số vấn đề: Đánh giá cơ chế, chính sách trong quá trình đô thị hoá; công tác quy hoạch, quản lý, kiểm soát xây dựng; việc thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; giải pháp phát triển kinh tế đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị; hoàn thiện hệ thống đô thị quốc gia; phát triển đô thị bền vững trên nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số; đề xuất mô hình chính quyền đô thị; làm rõ vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, giám sát đầu tư phát triển đô thị…

KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Nghị quyết 06 NQ/TW xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho giai đoạn mới.

KTS Trương Văn Quảng cũng đề xuất một số định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

tm-img-alt
Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Ảnh: Internet

Trên cơ sở đó tiếp tục đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, có nền kiến trúc đô thị giàu bản sắc, góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước.

Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, xu thế đô thị hóa bền vững và phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh đang ngày càng được quan tâm.

Cũng theo bà Nhâm, việc quy hoạch đô thị phải gắn với phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị theo vùng miền; đề cao yếu tố môi trường, phục hồi sinh thái và các hoạt động phát thải carbon thấp. Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội, chú trọng chất lượng môi trường sống đô thị – nông thôn, huy động tổng hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là những quan điểm quan trọng chi phối vấn đề quy hoạch đô thị Việt Nam.

Bà Nhâm cho biết, vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết chính sách phát triển tập trung nguồn lực, không dàn trải, để tạo ra sự tích tụ kinh tế, dân số để đô thị thực sự thành các cực và hành lang tăng trưởng kinh tế quốc gia và vùng, tiểu vùng.

TS Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lại nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xã hội để thực hiện công tác quy hoạch. Bên cạnh đó cần phân chia nguồn lực hợp lý, mỗi địa phương được hoàn thiện chất lượng đô thị đầu não. Bám sát mục tiêu nâng loại đô thị của quốc gia và thành phố, phân bổ theo giai đoạn.

Cùng với đó là chính sách ưu tiên phát triển đô thị trung tâm đạt tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt theo phân vùng. Chuẩn hóa chất lượng các đô thị có tính chất thủ phủ của các huyện ngoại thành. Phân bố nguồn lực cho các đô thị vệ tinh tiềm năng.

Dự và phát biểu tại hội thảo còn có một số chuyên gia quy hoạch kiến trúc quốc tế. TS Emmanuel Cerise, Đại diện vùng Ile de France tại Hà Nội với chuyên đề Công tác quy hoạch trong giai đoạn chuyển đổi, tập trung vào các dự án treo. Ông John Peters, Trưởng Nhóm quy hoạch chiến lược, chính quyền Vùng Thủ đô London, với những kinh nghiệm thực tiễn quy hoạch Vùng Thủ đô London, Vương quốc Anh.

GS.TS Alfonso Vegara, Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch châu Âu cho biết, những kinh nghiệm về kết nối đô thị. Ông liên hệ với trường hợp đô thị Hà Nội, kết nối với các đô thị vệ tinh bằng hệ thống giao đa dạng… các hạ tầng này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội và đô thị vệ tinh. Từ đó tạo ra các trung tâm kinh tế năng động để đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực này, với tư cách là siêu hành lang sáng tạo và đổi mới. Ông Alfonso Vegara nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị có vai trò hết sức quan trọng, tạo ra các trung tâm sáng tạo đổi mới, thu hút nhân tài.

Theo TS.KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, mục 2 Nghị quyết 06-NQ/TW có nội dung về đổi mới toàn diện công tác quy hoạch: phương pháp, quy trình, nội dung, sản phẩm. Trong quy hoạch đô thị, vấn đề đổi mới được thể hiện trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trong quy hoạch đô thị và nông thôn, làm thế nào để nắm được đúng tư tưởng chuyển hoá nhanh từ ý tưởng đến chiến lược, bỏ qua các yếu tố không cần thiết, rút gọn quy hoạchh phân khu, lồng quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung, rồi chuyển sang quy hoạch chi tiết.

GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, nguyên Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh vấn đề đổi mới phương pháp quy hoạch theo Nghị quyết 06-NQ/TW.

Có 7 điểm cần lưu ý: Quy hoạch theo hướng đa ngành, tính khả thi về nguồn vốn, về các dự báo; quy hoạch cần căn cứ vào quản lý nguồn tài nguyên; linh hoạt trong việc áp dụng các điều khoản của pháp luật liên quan; tận dụng cơ sở dữ liệu; dự báo chính xác xu hướng phát triển; tăng cường việc tham gia của cộng đồng vào quy hoạch đô thị.

TS Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị nhấn mạnh việc ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Geographic Information Systems). Điều đáng mừng là thuật ngữ GIS đã được đưa vào Nghị quyết 06-NQ/TW.

Sau gần 30 năm nghiên cứu, các thế hệ nhà nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh rằng GIS không thể thiếu trong công tác lập quy hoạch. Thực tế đến nay các quy hoạch lớn của Việt Nam đều ứng dụng GIS.

TS Lưu Đức Minh cũng cho biết, để ứng dụng được GIS thì phải có cơ sở dữ liệu, làm thế nào để dữ liệu quy hoạch luôn luôn được cập nhật, và phải là dữ liệu sống. Thứ nữa là cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng đánh giá, Hội thảo đã đề xuất một số định hướng, chính sách nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển đô thị, trong đó việc hoàn thiện pháp luật về quy hoạch kiến trúc là rất cần thiết; vấn đề đổi mới và hướng tiếp cận, phương pháp quy hoạch phù hợp với nguồn lực thực hiện cũng được đặt ra; cần thiết phải thiết kế một quy hoạch cho giai đoạn quá độ; gắn kết hệ thống đô thị với cơ chế kết nối đô thị cấp vùng để cùng nhau giải quyết các vấn đề của đô thị như biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xây dựng hạ tầng khung của vùng; cần lưu tâm hơn đến các đô thị vừa và nhỏ cũng như các đô thị vệ tinh để đảm bảo cân bằng, bền vững, tránh phụ thuộc vào các đô thị lớn.

Bà Hằng cũng lưu ý,cần lưu tâm hơn đến vấn đề cơ chế, chính sách phân quyền, phân cấp cho các địa phương; thúc đẩy mô hình chính quyền đô thị, tăng tính tự chủ, khả năng cạnh tranh cũng như huy động nguồn lực cho việc phát triển các đô thị. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống dữ liệu quy hoạch, gắn với hệ thống dữ liệu quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức trong tháng 6/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu : “Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là trách nhiệm của Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền các địa phương”. Thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm vừa qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn quốc hiện nay đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, trong công tác quản lý và quản trị đô thị nói chung.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường; không “hy sinh” các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Các khu vực phát triển mới là cơ hội để chúng ta phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh”, do vậy từ khâu quy hoạch (quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết) tới quá trình triển khai xây dựng cần phải bảo đảm thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỉ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung.

Phó Thủ tướng khẳng định, phát triển đô thị gắn với quản lý, phát triển thị trường bất động sản, phải bảo đảm ổn định và bền vững; giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân tại khu vực đô thị, nhất là các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, công nhân, người lao động. Trong quá trình đó cần quan tâm đặc biệt tới việc chỉnh trang các khu đô thị cũ, các khu chung cư đã xuống cấp để bảo đảm an toàn và tính mạng của người dân.

Chú trọng phát triển một số loại hình kinh tế đô thị mới gắn với phát triển du lịch, như kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với lợi thế đặc trưng của từng địa phương.

Đồng thời cần có các giải pháp căn cơ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thực hiện tốt cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích