Phát triển đô thị khu vực phía Nam và kỳ vọng về một trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội
Những năm trước đây, khu vực phía Tây, Bắc của Hà Nội được ưu tiên đầu tư phát triển, nhất là khu vực phía Bắc sông Hồng. Giai đoạn đó, hàng loạt các khu đô thị và trung tâm thương mại mọc lên như nấm sau mưa.
Trái ngược với khu vực phía Tây, Bắc của Hà Nội là phía Nam. Hơn 10 năm trước, khu vực này được đánh giá là vùng kém phát triển, hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông chưa được kết nối đồng bộ, dân số ít… Chính vì thế, khu vực này suốt một thời gian dài không thu hút được các nhà đầu tư.
Trong khi đó, khu vực phía Nam Hà Nội là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng. Đây là khu vực trọng yếu trong kết nối liên tỉnh với hàng loạt tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình…
Những năm gần đây, Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị về khu vực này. Theo quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050; phía Nam Hà Nội được định hướng trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm, chính trị, văn hóa của Thủ đô. Do vậy, những năm gần đây, thành phố đã và đang thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị và tiếp tục mở rộng nhiều tuyến đường giao thông ở khu vực phía Nam Hà Nội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hai yếu tố quỹ đất và hạ tầng đô thị là lý do quan trọng, không chỉ mang đến những giá trị về giao thương cho các tỉnh lân cận Hà Nội, mà còn thúc đẩy giá trị bất động sản khu vực gia tăng, thu hút nhiều nhà đầu tư về phát triển đô thị, các dự án nhà ở và người dân có nhu cầu mua nhà an cư.
Trao đổi với Reatimes, TS.KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, việc mở rộng các tuyến đường vành đai, các tuyến đường giao thông sẽ giúp giao thông của khu vực phía Nam trở nên thông thoáng. Người dân khu vực này cũng có thể kết nối, di chuyển tới các quận trung tâm hay các khu vực ngoại thành một cách dễ dàng. Đặc biệt, khi hạ tầng giao thông phát triển sẽ thúc đẩy thu hút nhiều dự án phát triển về đầu tư, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.
Sức hấp dẫn từ vùng đất cửa ngõ Thủ đô
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của khu vực phía Nam Hà Nội trong vấn đề phát triển đô thị?
TS.KTS. Trần Minh Tùng: Khu vực phía Nam Hà Nội là khu vực trọng yếu trong kết nối liên tỉnh với hàng loạt tỉnh thành phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình…
Phía Nam của Hà Nội đang được xem là mảnh đất tương đối màu mỡ, bằng phẳng để phát triển. Việc phát triển về phía Nam là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Hà Nội phải mở rộng vào năm 2008, để có thêm một lượng đất đai dự trù lớn của tỉnh Hà Tây nhập vào để có cơ sở phát triển thêm nhiều dự án mới.
Khu vực phía Nam đang ngày càng thể hiện sức hấp dẫn với nhiều lợi thế, nhiều tiềm năng khi giáp với các tỉnh lân cận đang phát triển mạnh về công nghiệp, du lịch,… Đây cũng là cơ hội để nhiều dự án nhà ở, dự án phát triển cơ sở hạ tầng được cấy ghép vào.
Ngoài ra, các tỉnh như Hà Nam hay Ninh Bình cũng đang cố gắng chia sẻ cùng Hà Nội một số cơ sở vật chất hạ tầng. Chẳng hạn như một số bệnh viện ở Hà Nội cũng đang đặt cơ sở 2 tại Hà Nam, hoặc một số trường Đại học cũng đang có cơ sở 2 tại những khu vực xung quanh Hà Nội. Nhờ vậy mà khu vực phía Nam Thủ đô đã trở thành một khớp nối giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Loạt các hạ tầng được đầu tư hiện đại, phía Nam Thủ đô đã có sự “trở mình” mạnh mẽ. Hơn nữa, việc phát triển các hệ thống hạ tầng giao thông đang thúc đẩy khu vực phía Nam thay đổi diện mạo đô thị.
Nếu như 10 năm trước, người dân rất ngại việc ở xa thành phố, ở ven đô thì ngày nay người dân đã có thu nhập và mức sống tốt hơn nên việc sở hữu ô tô di chuyển xa hơn cũng là điều dễ dàng.
Hiện các đường vành đai đang tạo ra sự mở rộng dần về phía Nam cũng như mở rộng xung quanh trung tâm đô thị Hà Nội. Cùng với đó là các hệ thống toả tia, tức là hệ thống đường nối giữa trung tâm với các khu vực đô thị mới của Hà Nội nằm ở phía Nam.
Chính vì 2 yếu tố này, khi giao thông thuận lợi thì người dân sẽ không ngại việc sống ở xa trung tâm và sẽ giải quyết vấn đề tắc nghẽn cũng như giảm mật độ dân số của trung tâm xuống.
Tuy nhiên, khu vực phía Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển đồng bộ hơn các công trình thương mại, dịch vụ – giải trí và quan trọng nhất là công trình về giáo dục – y tế để người dân yên tâm về sinh sống.
Phát triển đô thị cần đồng bộ trong quy hoạch
PV: Nếu như quá trình đô thị hoá của vùng trung tâm Hà Nội đã bắt đầu đi vào quỹ đạo thì dường như vùng ven đô của Hà Nội lại đang có nhiều loay hoay để tìm ra phương cách phát triển đô thị sao cho bền vững, ông nhìn nhận ra sao?
TS.KTS. Trần Minh Tùng: Hà Nội là một trong những địa phương chú trọng công tác quy hoạch để xứng tầm với vị thế của Thủ đô và là một thành phố đầu tàu của cả nước.
Hà Nội là một đô thị được đưa ra các phương pháp quy hoạch hay các giải pháp về tổ chức không gian tương đối tiên tiến. Tuy nhiên, do địa bàn tương đối lớn đặc biệt từ năm 2007 – 2008, Hà Nội mở rộng địa giới ra cả tỉnh Hà Tây nên việc quan tâm từng khu vực của đô thị cũng chưa thể đạt được đồng bộ. Nên rõ ràng, việc quy hoạch khu vực vùng ven trong tiến trình đô thị hoá đang cần được quan tâm nhiều hơn.
Các quận trung tâm Hà Nội như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là những quận được xem là lâu đời, vùng lõi của Thủ Đô. Sau đó, Hà Nội có thêm một số quận mới được cấy ghép vào như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên,… Tiếp tục sau năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào thì có thêm quận Hà Đông. Như vậy, trong tương lai, chúng ta cũng mong muốn huyện Quốc Oai, Đan Phượng hay Thanh Trì trở thành những quận mới của Hà Nội.
Theo quy hoạch của UBND TP. Hà Nội, huyện Thanh Trì sẽ được phát triển thành quận vào năm 2025. Đây là huyện tiếp giáp với rất nhiều các quận nội đô của Hà Nội và đang cung cấp một quỹ đất rất lớn để thực hiện việc giãn dân khu vực trung tâm cho nên huyện Thanh Trì lên quận sẽ là xu hướng tất yếu.
Đồng thời triển vọng lên quận trong thời gian tới không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho chính địa bàn này mà còn là lực đẩy giúp các khu vực lân cận nói riêng và thị trường bất động sản phía Nam Hà Nội nói chung có nhiều bứt phá mạnh mẽ.
Đây sẽ là cơ hội để khu Nam Thủ đô bứt tốc phát triển, khẳng định được vị trí trên thị trường bất động sản Hà Nội.
PV: Việc phát triển từ huyện lên quận sẽ đòi hỏi sự thay đổi ra sao trong công tác phát triển đô thị thưa ông?
TS.KTS. Trần Minh Tùng: Một đô thị phát triển được cảm nhận dựa trên 2 yếu tố. Đầu tiên, yếu tố có thể nhìn thấy rõ nhất là diện mạo đô thị thay đổi từng ngày, thông qua sự hình thành của các dự án khu đô thị mới, các khu nhà ở khang trang hơn. Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được phát triển đồng bộ, xen kẽ không gian xanh, đáp ứng nhu cầu và góp phần nâng cao chất lượng không gian sống của người dân.
Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng liên quan đến văn minh, văn hoá đô thị. Đô thị hoá sẽ kéo theo lối sống, văn hoá của người dân thay đổi thích ứng với không gian phát triển mới. Điều này có thể không chuyển biến ngay lập tức nhưng qua thời gian, sự biến đổi từ đời sống nông thôn sang đời sống đô thị sẽ được cảm nhận một cách rõ rệt.
Như vậy, rõ ràng những dự án phát triển các khu dân cư hay các dự án hạ tầng đã làm cho Hà Nội nói chung và khu vưc phía Nam nói riêng có sự thay đổi diện mạo. Nếu chúng ta nhìn lại Hà Nội từ năm 2008, khi bắt đầu sáp nhập Hà Tây vào và so sánh với bây giờ thì đã khác xa. Nhà cao tầng nhiều hơn, các khu dân cư cũng phát triển hơn. Trước đây, nếu dân cư chỉ sống co cụm khu vực nội đô thì bây giờ nhiều gia đình cũng nghĩ đến câu chuyện mua nhà ở những khu vực ven đô xa hơn để ở, nghỉ dưỡng tuổi già,…
Trước kia, các huyện nông nghiệp phía Nam của Hà Nội tương đối nghèo nàn và lạc hậu thì bây giờ với sự xuất hiện của các dự án đã làm cho những khu vực này trở thành động lực để thu hút người dân chọn nơi định cư, mở ra những không gian phát triển mới.
PV: Như vậy, sự tham gia của các nhà phát triển dự án lớn đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đô thị khu vực phía Nam Hà Nội. Tuy nhiên, cần lưu ý gì trong vấn đề quy hoạch để hướng tới sự bền vững, thưa ông?
TS.KTS. Trần Minh Tùng: Tôi cho rằng, quy hoạch là yếu tố mang tính định hướng quan trọng trong phát triển đô thị. Từ “đồng bộ” được xem là mấu chốt trong việc quyết định thành bại của một quy hoạch.
Do đó, các chủ đầu tư luôn cần sự đồng hành của chính quyền địa phương, nhà quản lý để tạo ra các khu vực có sự đồng bộ giữa hạ tầng của dự án và hạ tầng khu vực bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tránh trường hợp để các dự án nhà ở, khu đô thị đã hoàn thiện xong mà hạ tầng kết nối vào dự án lại đang dang dở.
Nên ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng trước sau đó mới phát triển dự án nhà ở.
– Trân trọng cảm ơn ông!