Phát triển đô thị Hà Nội: Quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (Quy hoạch 1259) định hướng phát triển 5 đô thị vệ tinh (gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn), các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì tiến độ triển khai phát triển các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm, đô thị Hà Nội bộc lộ không ít hạn chế.
Thực tế cho thấy, hệ quả của việc quy hoạch chưa phù hợp với thực tiễn là việc thành phố liên tục ùn tắc giao thông, ngập úng; thiếu trường học, thiếu sân chơi, không gian xanh; những căn nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề này là bởi tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở nhiều dự án bất động sản, dẫn đến quy hoạch đô thị bị phá vỡ. Những bản quy hoạch được cho là mẫu mực ban đầu không được tuân theo, sau khi điều chỉnh đều trở nên “vỡ vụn”.
KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để quy hoạch thành hiện thực thì bản quy hoạch đô thị phải mang tính thực tiễn, dựa trên những số liệu phân tích thông qua việc nghiên cứu, khảo sát thực tế và dự đoán khoa học về tương lai phát triển của thành phố thay vì phụ thuộc vào nhận định, mong muốn phiến diện từ một cá nhân, tổ chức hoặc những báo cáo chung chung.
Hạ tầng đô thị quá tải cho thấy quy hoạch chưa gắn liền với thực tiễn
Trong đó, KTS. Phạm Thanh Tùng phân tích về hệ lụy của việc quy hoạch đô thị chưa gắn liền với thực tiễn: “Điển hình là việc hàng loạt khu dân cư ở Hà Nội mất nước trong một thời gian dài. Điều này chứng tỏ quy hoạch của chúng ta đang chưa thực sự ổn.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ quản lý dân số cơ học qua hộ khẩu, nhưng còn có những luồng nhập cư với số lượng lớn khác là lao động ngoại tỉnh chưa quản lý được. Do đó, dù trước đây ước lượng quy hoạch chung cho khoảng 7,5 triệu dân, tuy nhiên chỉ sau vài năm, con số này đã chạm ngưỡng 8,5 triệu dân. Theo đó, hệ thống giao thông công cộng chưa đủ tầm để phục vụ những dân cư này”.
Ngoài ra, ở nước ta cũng chưa có những giải pháp phù hợp để giải quyết câu chuyện cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, thường có quan niệm là xén vỉa hè, mở rộng đường để lấy làn cho ô tô đi. Trong khi đó, các nước khác lại ưu tiên cảnh quan đô thị và có các chủ trương đánh thuế cao cho các phương tiện như vậy nhằm đem lại nguồn tiền cải tạo cơ sở hạ tầng cho cư dân.
Chuyên gia cũng cho rằng, việc quy hoạch không chỉ tập trung vào hình ảnh bên ngoài, mà còn cần quan tâm đến nội hàm bên trong. Cụ thể, thay vì chỉ quan tâm đến không gian mặt phố, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến các khu vực nằm trong ngõ ngách để giúp người dân tiếp cận tốt hơn với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng tiện nghi.
“Như vậy, một bản quy hoạch phù hợp cần mang tính tổng hòa của xã hội và cần đi vào thực tế bằng những giải pháp thiết thực thay vì chỉ dừng lại trên giấy.
Thay vì để đô thị là nơi đáng đến, việc biến đô thị thành nơi đáng sống quan trọng hơn cả. Nơi đáng sống không phải là những đô thị hoành tráng, với những tiện nghi đẳng cấp, mà đó là một đô thị phù hợp với nhu cầu sống của người dân – nơi cư dân có một cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp”, chuyên gia nhấn mạnh.
Khi đó, để việc quy hoạch đô thị được bài bản và phù hợp, cần ưu tiên xây dựng những khu đô thị giá rẻ để người lao động thu nhập trung bình, thấp có quyền được sống, được tận hưởng, được giao lưu và tiếp cận mọi thứ một cách bình đẳng.
Theo các chuyên gia, công tác quy hoạch, điều chỉnh, quản lý quy hoạch xây dựng là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Đây là vấn đề mang tính chiến lược và phải đi trước một bước làm cơ sở cho đầu tư xây dựng và phát triển, là giải pháp cơ bản và chủ yếu để quản lý xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Cần tối ưu nguồn lực đất đai để phát triển đô thị bền vững
Vì vậy, mới đây, HĐND TP. Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Giới chuyên gia đánh giá đây là quy hoạch quan trọng; dựa trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành vào năm 2011 để điều chỉnh và phát triển hơn nữa.
KTS. Phạm Thanh Tùng cho biết một số điểm nổi bật trong đồ án quy hoạch mới này:
Thứ nhất, thay vì phát triển 5 đô thị vệ tinh, TP. Hà Nội tập trung phát triển 2 đô thị vệ tinh, 3 đô thị vệ tinh còn lại sẽ nằm trong quy hoạch thành phố trong thành phố. Đồng thời, đồ án quy hoạch này làm rõ nét hơn vai trò của sông Hồng – trục không gian cảnh quan quan trọng của thành phố. Khi đó, việc thành lập hai đô thị, hai thành phố, trong đó có thành phố phía Bắc và phía Nam sẽ tạo ra thành phố bên sông.
“Việc đồ án quy hoạch này được nghiên cứu chỉn chu và thực hiện nghiêm túc sẽ là tiền đề, điểm tựa giúp thành phố phát triển. Bởi, đây cũng là dịp tích hợp quy hoạch đa ngành và để Hà Nội soi chiếu, đánh giá lại quy hoạch thủ đô trong thời gian qua”, chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng Hà Nội cần quan tâm và làm rõ nét mô hình thành phố trong thành phố để xây dựng phương án quy hoạch phù hợp.
Thứ hai, đặc thù của TP. Hà Nội là phát triển từ nông nghiệp, vì vậy vai trò của nông thôn rất quan trọng. Do đó, Hà Nội cần xác định được vành đai xanh, các đô thị vệ tinh xanh và hiện đại với sự tích hợp các khu dịch vụ phù hợp.
Chuyên gia cũng đánh giá thành phố cần xem xét, huy động nguồn lực kỹ lưỡng: “Bởi đất đai là nguồn lực quan trọng, một mét vuông đất đô thị cũng là nguồn lực để phát triển. Trước đây, chúng ta đã lãng phí đất đai bởi các dự án không khả thi nhưng vẫn được phê duyệt, dẫn đến việc có dự án “đắp chiếu” 20-30 năm gây lãng phí nguồn lực. Do đó, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội huy động nguồn lực đất đai hợp lý”.
Không chỉ dừng lại ở đó, KTS. Phạm Thanh Tùng nhận định người quản trị đô thị giỏi là người cần tận dụng mọi nguồn lực từ chính đô thị để phát triển đô thị. “Vì vậy, chúng ta cần đánh giá kỹ cách phát triển nhà ở sao cho hợp lý, bởi tôi cho rằng hiện nay một cục quản lý và phát triển nhà ở khó đủ khả năng để lo hết các vấn đề về nhà ở cho dân”, ông nói.
Trong khi đó, Singapore có một bộ riêng trực thuộc sự quản lý của Thủ tướng để tập trung phát triển nhà ở xã hội. Khi đó, Nhà nước tạo điều kiện để tất cả người dân (không chỉ là người thu nhập thấp) đều có thể mua được nhà ở. Và họ áp dụng thuế nhiều cho các hạng mục khác để có dòng tiền giải quyết những vấn đề cơ bản cho dân.
Có thể thấy, việc phát triển nhà ở xã hội không phải vấn đề của doanh nghiệp mà là vấn đề chung của đất nước. Do đó, Nhà nước cần đóng vai trò chính trong việc chăm lo cho người dân, chứ không nên quá kỳ vọng vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng năng lực của đội ngũ công chức, viên chức rất quan trọng. Họ phải là người có năng lực, trách nhiệm, tận tâm, ưu tiên quyền lợi của người dân hàng đầu, thay vì để lại nhiều lỗ hổng trong quản trị đô thị như hiện nay.
“Vụ việc cháy chung cư mini khiến nhiều người thiệt mạng xảy ra vừa qua mới như giọt nước tràn ly khiến chúng ta thực sự vào cuộc kiểm tra. Do đó, tôi cho rằng cần chú ý quy hoạch nguồn lực cán bộ để những người thực thi là người có năng lực và chịu trách nhiệm được với quyết định của mình”, chuyên gia nói.
KTS. Phạm Thanh Tùng cũng kỳ vọng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thời gian tới sẽ được phê duyệt trong bối cảnh thuận lợi nhất, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua. “Tất nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch không hề đơn giản và cần rất nhiều thời gian, tuy nhiên sự quyết tâm, ý chí của lãnh đạo rất quan trọng để chúng ta hiện thực hóa những ước mơ này. Thay vì vừa làm vừa điều chỉnh, cần làm đến đâu chắc đến đó”, chuyên gia nói./.