Phát triển Điện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa – lịch sử quốc gia
(Xây dựng) – Đó là mục tiêu của Đồ án Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) thực hiện.
Đồ án đề xuất tầm nhìn phát triển thành phố Điện Biên Phủ trở thành “thành phố du lịch văn hóa – lịch sử quốc gia”. |
Theo nội dung của Đồ án, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ có tổng diện tích tự nhiên 306,58km2 với 12 đơn vị hành chính, bao gồm 7 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 5 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang), quy mô dân số 84.672 người.
Quy hoạch đề xuất tầm nhìn phát triển thành phố Điện Biên Phủ trở thành “thành phố du lịch văn hóa – lịch sử quốc gia”. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái và khám phá cảnh quan thiên nhiên.
Một mục tiêu quan trọng khác là phát triển thành phố Điện Biên Phủ trở thành điểm đầu, cửa ngõ của các hành trình du lịch quốc tế đến “miền Tây Bắc” nói riêng và cả nước nói chung.
Quy hoạch đã đề xuất mô hình phát triển đô thị theo mô hình “đa trung tâm”, phát triển theo các trục động lực, mở về các khu vực có điều kiện phát triển (về quỹ đất, về cảnh quan, về môi trường, về lịch sử, về văn hóa…), từ đó hình thành các trung tâm mới có chức năng gắn với những đặc điểm nổi trội được liên kết chặt chẽ bằng hệ thống giao thông có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát huy các giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề nghị đơn vị tư vấn xem xét bổ sung các nội dung về mối liên hệ vùng, khung thiên nhiên, bản sắc văn hóa của địa phương, tuyến liên kết các điểm di tích lịch sử, cơ sở tính toán dự báo dân số…
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Điện Biên Phủ. |
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) Trần Ngọc Chính cho rằng, Đồ án Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045 cần làm rõ tính lịch sử, vị thế đặc biệt của thành phố nhằm hướng tới giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau này, cũng như làm rõ hướng phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
Ngoài ra, Đồ án cần nghiên cứu thêm về nội dung bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử của di tích, xây dựng một số địa điểm, công trình phục vụ cho những lễ kỷ niệm lớn của thành phố như quảng trường lớn, bảo tàng văn hóa…
Nguồn: Báo xây dựng