Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy ngành đóng tàu
(Xây dựng) – Dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng. Theo các chuyên gia, do đóng tàu liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim, vì thế nếu phát triển công nghiệp phụ trợ tốt sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành đóng tàu vươn lên.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. (Ảnh minh họa) |
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm trên tuyến vận tải hàng hải trọng yếu Đông – Tây bán cầu, chiếm trên 80% lượng vận tải hàng hóa toàn cầu. Khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được chuyên chở bằng đường biển. Tốc độ hàng hóa thông qua cảng biển nước ta tăng bình quân 13% – 15% năm. Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp đóng tàu phát triển.
Thực tế, thời gian qua, ngành đóng tàu cũng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 xác định, kinh tế biển là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dù vậy, ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng và nhu cầu. Khoảng 95% thị phần vận tải biển hiện đang thuộc về các hãng tàu nước ngoài, còn lại là thị phần của Việt Nam và chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện Việt Nam có gần 100 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và khoảng 70 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng tàu mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta mới chỉ chiếm khoảng 20 – 30%; trong đó, các mặt hàng thuần Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại là phụ kiện nước ngoài gia công tại Việt Nam, hoặc phải nhập khẩu.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp đóng tàu của nước ta chưa phát triển mạnh. Trong đó, đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, trong khi đóng tàu là một ngành công nghiệp dài hơi và muốn trụ vững được đòi hỏi phải rất trường vốn. Nhân lực cũng là nút thắt với ngành, bởi đây là ngành nặng nhọc nên khó hấp dẫn người học. Bên cạnh đó, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế, các thế hệ tàu mới phải bảo đảm tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã…, đặc biệt trong gia công, sản xuất phải theo hướng xanh, bảo vệ môi trường.
Đánh giá đúng vai trò của ngành để đầu tư tương xứng
Theo các chuyên gia, tàu thủy là một ngành công nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại. Đặc thù ngành đóng tàu cũng như ngành cơ khí có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, có thể thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển.
Tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, các chuyên gia đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá đúng vai trò của ngành đóng tàu; cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển… cùng phát triển. Trên cơ sở đó, sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính như ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp đóng tàu, hỗ trợ bảo lãnh không chỉ với đóng tàu mà còn các ngành phụ trợ khác, giảm thuế đất cho các doanh nghiệp đóng tàu.
Cùng với đó, cần đầu tư, hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đóng tàu. Nguồn nhân lực hiện không những phải đáp ứng được về trình độ mà còn phải cập nhật cả kiến thức công nghệ đóng tàu mới, hiện đại. Đồng thời, cần khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp đóng tàu.
Hiện, đa phần đội tàu biển Việt Nam tuổi tàu cao, chất lượng tàu thấp. Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ các chủ tàu lớn phát triển đội tàu hiện đại, cạnh tranh với đội tàu của các nước trên thế giới. Để khuyến khích chủ tàu loại bỏ tàu cũ khai thác không hiệu quả để đầu tư tàu mới, tàu chuyên dụng phù hợp với nhu cầu vận tải, cần miễn, giảm các loại thuế, phí (phí đăng ký trước bạ, thuế VAT…) khi đóng hoặc mua tàu mới hiện đại.
Song song đóng mới, việc sửa chữa tàu cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Việt Nam đã có nhà máy sửa chữa tàu nhưng không được đầu tư bài bản và khó có khả năng tiếp cận được tàu loại lớn. Nhiều con tàu của Việt Nam phải đi sửa ở nước ngoài. Muốn thu hút được khách, công tác tổ chức sửa chữa phải hợp lý, uy tín, đồng nghĩa phải quan tâm hỗ trợ hoạt động sữa chữa tàu.
Mặt khác, tàu thủy là một ngành công nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại. Việc đóng tàu liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim một số lĩnh vực chính như sản xuất thép đóng tàu, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thủy, điện, điện tử, tự động hóa, vật liệu mới…
Vì thế, nếu phát triển được những lĩnh vực công nghiệp phụ trợ này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho đóng tàu Việt Nam tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và khi doanh nghiệp đóng tàu phát triển sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí cùng phát triển.
Nguồn: Báo xây dựng