Phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng: Những vấn đề cần quan tâm
(Xây dựng) – Đà Nẵng là thành phố mới được phát triển mạnh trong gần 30 năm qua. So với thời điểm năm 1997, trước khi trở thành đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương, diện tích đô thị đã tăng lên gấp khoảng 4 lần. Điều đó có nghĩa 3/4 diện tích đô thị là phát triển mới, một điều kiện không thể thuận lợi hơn để phát triển các không gian cây xanh. Dù vậy cho đến nay, trong khi diện mạo đô thị đã thay đổi rất nhiều theo hướng hiện đại nhưng riêng cây xanh đô thị vẫn là một chỉ tiêu còn thiếu khá trầm trọng. Đó là một nghịch lý không khó để nhận ra.
Công viên 29/3. |
Trước thực tế đó, thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực để tăng cường phát triển cây xanh thông qua việc triển khai các dự án phát triển đô thị và các dự án chuyên về phát triển cây xanh. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ. Tốc độ phát triển đất cây xanh đô thị đang chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển đô thị.
Đây là thực trạng không tích cực và rất không nên để kéo dài. Ngay lúc này, Đà Nẵng cần có một chiến lược phát triển cây xanh đô thị mang tính toàn diện và bền vững. Muốn có một chiến lược phát triển trước hết phải nhìn nhận đánh giá thực trạng một cách hết sức khách quan, kèm sau đó là những quan điểm phát triển mang tính khoa học và sáng tạo. Sau đây là một số hạn chế cần được nhìn nhận rõ.
Tổng diện tích đất cây xanh đô thị trên thực tế còn rất thấp
Hiện nay, tổng diện tích đất cây xanh công cộng sử dụng thực tế chỉ vào khoảng hơn 400ha, tương ứng khoảng 4m2/người. Trong khi đó, với chỉ tiêu kỳ vọng theo Quy hoạch chung là 7-8m2/người, tương ứng với một triệu dân Đà Nẵng cần 700-800ha loại đất này. Như vậy, ở thời điểm hiện tại chúng ta còn thiếu 300 – 400ha đất cây xanh.
Theo Quy hoạch chung, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người và chỉ tiêu đất cây xanh khoảng 1.394ha. Số lượng đất cây xanh cần phát triển thêm sẽ vào khoảng hơn 900ha. Có thể dự báo dân số của Quy hoạch chung chưa chính xác nhưng theo thời gian, đến thời điểm nào đó dân số sẽ bằng và vượt con số 2.56 triệu người. Do vậy, con số 1.394ha đất cây xanh đô thị không phải là ảo tưởng mà sớm muộn cũng phải đạt tới.
Cũng cần lưu ý là chỉ tiêu 7-8 m2/người chưa phải là lớn đối với một đô thị có định hướng trở thành thành phố môi trường. Nhiều đô thị khác có chỉ tiêu này trên 10m2/người. Singapore có tỉ lệ cây xanh phủ bóng tới 50% diện tích đô thị, tương ứng 50m2/người.
Hiểu một cách đơn giản là Quy hoạch chung đã lo đủ diện tích đất cây xanh cho tương lai. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tổng chỉ tiêu đất cây xanh toàn thành phố cũng như chỉ tiêu đất cây xanh tại nhiều khu vực còn đang rất thiếu.
Loại hình công viên công cộng đặc biệt thiếu
Cả thành phố hiện chỉ có duy nhất một công viên đúng nghĩa là Công viên 29/3 với diện tích chưa đầy 20ha. Công viên trung tâm đường 2/9 vốn được quy hoạch khoảng 140ha giờ không còn là công viên công cộng. Công viên Thanh Niên được quy hoạch rộng hơn 20ha giờ cũng bị chia cắt và sử dụng manh mún. Gần 30 năm qua không hình thành được một công viên mới nào có quy mô cấp thành phố.
Tuyến đường Trần Hưng Đạo nhiều cây xanh chậm phát triển. |
Nhiều khu vực dân cư có tỷ lệ cây xanh rất thấp
Các khu vực đô thị cũ tại quận Hải Châu, Thanh Khê có tỉ lệ đất cây xanh thấp là điều dễ hiểu khi dân số tăng nhanh trong khi quỹ đất phát triển cây xanh là rất hạn chế. Đây cũng là vấn đề khó đối với quy hoạch phân khu ven sông Hàn và Bờ Đông.
Ngay cả các khu vực phát triển mới cũng chưa hoàn toàn đáp ứng chỉ tiêu cây xanh. Thông thường, các đồ án quy hoạch chi tiết các khu dân cư mới lấy chỉ tiêu 2m2/người, tuy nhiên nhiều đồ án còn chưa đáp ứng được chỉ tiêu này. Cần hiểu rằng 2m2/người là chỉ tiêu tối thiểu trong điều kiện loại hình cây xanh công cộng đã đáp ứng đầy đủ. Nhưng khi chỉ tiêu cây xanh công cộng còn chưa đáp ứng thì chỉ tiêu 2 m2/người cho các khu dân cư là chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu.
Cây xanh đường phố còn nhiều hạn chế
Ngoài nguyên nhân khách quan là điều kiện thời tiết không thuận lợi với sự xuất hiện của nhiều cơn bão lớn thì yếu tố con người vẫn là chính yếu.
Nhiều tuyến đường đã hình thành từ lâu nhưng diện tích phủ bóng của cây xanh chưa tương ứng. Nguyên nhân chủ yếu do kỹ thuật trồng cây. Một số tuyến đường đã hình thành hơn 20 năm nhưng có những đoạn mà cây xanh không phát triển, việc thay thế cũng không kịp thời.
Việc trồng cây xanh trên các dải phân cách chưa hiệu quả. Đa phần các tuyến đường có dải phân cách hẹp (2m), không thuận lợi cho việc trồng cây lớn. Ngoài ra cũng có luồng tư duy cho rằng trồng cây lớn trên dải phân cách sẽ che chắn tầm nhìn. Đây là tư duy chủ quan và sai lầm. Lý thuyết về cây xanh đô thị ưu tiên hình thức tán giáp tán. Gần đây, một số tuyến đường đã mạnh dạn trồng cây lớn trên dải phân cách, tiêu biểu như đường Lê Văn Hiến. Tuy nhiên đây là hình ảnh chưa phổ biến.
Tuyến đường Lê Văn Hiến sử dụng hiệu quả cây lớn trên dải phân cách. |
Vấn đề thiết kế cảnh quan cây xanh đô thị gần như còn bỏ ngỏ.
Việc trồng cây xanh trên các tuyến đường đa phần dựa vào kinh nghiệm của Công ty Công viên cây xanh. Việc xem thiết kế cảnh quan cây xanh như một đồ án riêng biệt, có nghiên cứu, thi tuyến, lập hội đồng chấm chọn… là vấn đề chưa được đặt ra.
Tất nhiên không có quy định bắt buộc phải làm như vậy nhưng nếu coi đây là nhiệm vụ chăm chút cho diện mạo đô thị thì nên ưu tiên sự chủ động và tâm huyết hơn là nề hà thủ tục hành chính.
Nguồn: Báo xây dựng