Phát triển bền vững thương mại lâm sản cần có cơ sở dữ liệu
Chuyển đổi số là quá trình tất yếu
Đề cập đến cơ hội và thách thức của chuyển đổi số trong lâm nghiệp, ông Nguyễn Đức Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, khi ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị rừng ngoài việc cung cấp thông tin chi tiết và chính xác vị trí của từng khoảnh rừng, lô đất của khu vực sẽ góp phần quản trị rừng tốt hơn và minh bạch hoá trong quá trình sản xuất lâm nghiệp.
Hiện nay, với những quy định mới của EU, ngành lâm nghiệp đã và đang gặp phải những khó khăn trong việc phân định diện tích rừng với diện tích trồng cà phê. Để thích ứng với quy định này đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải quan tâm tới cơ sở dữ liệu để xác định chỉ số địa lý; các dữ liệu nền tảng để so sánh, đối chiếu và biết chính xác được diện tích, các diễn biến của quá trình chuyển đổi, sản xuất, thương mại để minh bạch được quá trình sản xuất.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của ngành, Cục Lâm nghiệp có Quyết định 34/QĐ-LN-CĐS năm 2023 về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023.
Theo đó, mục tiêu của đơn vị là hoàn thành danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý và ban hành được kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. Đồng thời, nâng cấp, cải tiến Hệ thống nền Thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp (FORMIS), đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo cho việc cài đặt, tích hợp, kết nối các phần mềm/ứng dụng chuyên ngành vào Hệ thống; thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện quản lý dữ liệu trên hệ thống FORMIS…
“Năm 2023, chúng tôi đã tích hợp cơ sở dữ liệu ven biển trong cơ sở dữ liệu này. Với các kế hoạch như vậy, ngành xác định các lộ trình triển khai để đáp ứng mục tiêu chung của quốc gia về chuyển đổi số”, ông Phạm Hồng Lượng, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chia sẻ.
Với diện tích 14 triệu ha, đối tượng rừng phong phú như người dân, chủ rừng, UBND xã, ban quản lý bảo vệ rừng… Do địa bàn rộng, đa dạng đối tượng nên ứng dụng công nghệ vào ngành có khó khăn, trong đó kể đến như việc tiếp cận, cơ sở hạ tầng… bình thường cơ sở hạ tầng tiếp cận với các vườn quốc gia, rừng đã xa rồi nên khi ứng dụng công nghệ càng khó khăn nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn.
Phát triển nhiều ứng dụng thu thập dữ liệu về lâm nghiệp
GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, nhờ chuyển đổi số, trường không chỉ tạo ra cơ sở dữ liệu mà còn dựa vào dữ liệu để nghiên cứu, phục vụ giảng dạy cũng như nghiên cứu, học tập của nhà trường. Trong đào tạo, trường đang từng bước tin học hóa các môn học để truyền tải hiệu quả nhất kiến thức đến người học. Trường đã có thư viện số kết nối với 55 trường đại học trên toàn quốc, lưu trữ 65.000 tài liệu số.
Sắp tới, trường dự tính mở thêm nhiều ngành liên quan đến chuyển đổi số như ngành học về AI (trí tuệ nhân tạo). Năm nay, trường cũng tuyển sinh khóa đào tạo E-learning đầu tiên. Về đích đến, ông Phạm Văn Điển mong muốn xây dựng trường Đại học Lâm nghiệp thành đại học số.
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vườn đã phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện đề tài sử dụng công nghệ viễn thám để phát hiện sớm mất rừng và suy thoái rừng. Đề tài rất thành công và đã được nhân rộng tại tỉnh Lâm Đồng.
Vườn quốc gia Bidoup cùng với trường Đại học Lâm nghiệp đã tạo ra các thuật toán để thu ảnh, viết các phần mềm để sử dụng nội bộ. Toàn bộ cán bộ của Vườn quốc gia Bodoup được giao trách nhiệm có thể cập nhật 24/24h tình hình, diễn biến tài nguyên rừng 70.000ha.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá: ngành lâm nghiệp đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, Cục Kiểm lâm đã ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng, ứng dụng trong phân cấp nguy cơ cháy rừng cảnh báo tự động sẽ giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra. Ngành lâm nghiệp ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý rừng tài nguyên bền vững. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản ngoài gỗ…
Về đóng góp của chuyển đổi số trong phát triển, bảo vệ rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã triển khai cùng ngành lâm nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo tồn, giống cây trồng, thương mại, dự báo cháy rừng… từ đó, lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhanh hơn, tốt hơn.
Đặc biệt, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã xây dựng phần mềm số hóa quản lý và truy xuất gỗ hợp pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, tài nguyên về gỗ phục vụ giám định. “Trước đây, việc giám định mẫu gỗ mất khoảng 2-3 ngày, tuy nhiên với chuyển đổi số và công nghệ hỗ trợ việc giám định đã giảm xuống chỉ 10-15 phút/mẫu gỗ”, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu