Phát triển bền vững đô thị Việt Nam
(Xây dựng) – Trong suốt chặng đường 65 năm qua, ngành Xây dựng đã ghi dấu ấn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị cả nước. Phát huy truyền thống vẻ vang, ngành Xây dựng sẽ quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, để hiện thực hóa mục tiêu trong phát triển đô thị bền vững.
Vai trò động lực kinh tế của hệ thống đô thị
Quá trình đô thị hoá là xu thế phát triển tất yếu khách quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 đã khẳng định, những nền văn minh, sự sáng tạo, đổi mới đều có thể tìm thấy ở khu vực đô thị. Các nguồn lực phát triển đều được tạo ra từ đô thị. Động lực phát triển kinh tế – xã hội cũng từ đô thị mà ra. Nhiều cơ hội hơn ở khu vực đô thị và cũng chỉ có đô thị có thể cung cấp các giải pháp cho các vấn đề thách thức của nhân loại hiện nay như bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng, chống rủi ro không báo trước.
Không khó để có thể nhận thấy rõ nét vai trò của các thành phố, thị xã, thị trấn là những trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội, sản xuất, kinh doanh, vai trò trung tâm khoa học và kỹ thuật, đầu mối thu hút nguồn lực, đổi mới điều kiện sống và làm việc của người dân của mỗi vùng miền.
Quá trình đô thị hóa gắn liền, không tách rời với công nghiệp hóa và dịch vụ hóa. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP của đất nước. Đồng thời, công tác phát triển đô thị cũng kết nối, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển vùng nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hình thành các thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hoặc ngược lại, cung cấp vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho khu vực nông thôn. Các khu vực đô thị giữ một vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Quy hoạch, xây dựng và đổi mới quản lý phát triển đô thị
Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, ngành Xây dựng ghi dấu ấn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị cả nước. Ngay từ những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong giai đoạn 1954 – 1975, một số đô thị lớn cùng Thủ đô Hà Nội đã được quy hoạch và xây dựng bài bản, với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế làm nền tảng phát triển sản xuất công nghiệp như thành phố Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Vinh…
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, mặc dù nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, các tiêu chuẩn đã sớm được ban hành để phân định khu vực thành thị, phục vụ cho việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau năm 1986, chính sách đổi mới đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, hình thành và phát triển nhiều đô thị mới. Đầu những năm 1990, cả nước có khoảng 500 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa 17 – 18%.
Cuối những năm 1990, những khu đô thị mới đầu tiên được đầu tư xây dựng, tạo dựng các không gian định cư đô thị mới mẻ. Tiêu biểu là khu đô thị Linh Đàm, Định Công ở Hà Nội, khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM. Đến nay, hàng nghìn khu đô thị đã được xây dựng ở tất cả các tỉnh, góp phần đáp ứng và nâng cao điều kiện sinh hoạt của cư dân đô thị.
Giai đoạn từ sau năm 1999 đến nay, hệ thống đô thị thực sự đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Hệ thống đô thị phát triển theo định hướng tổng thể, quy hoạch đô thị và áp dụng các mô hình mới trong phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% (năm 1999) lên 41,5% (năm 2022). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các khung tiêu chuẩn phân loại đô thị liên tục được điều chỉnh, bổ sung theo hướng nâng cao chất lượng đô thị. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều hơn các đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn và được nâng loại.
Trong 10 năm, từ năm 2010 – 2020, tổng số đô thị từ loại IV trở lên đã tăng nhanh, từ 120 lên gần 200 đô thị. Các đô thị đã và đang từng bước đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các mô hình đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị giảm phát thải, tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh, bền vững, chuyển đổi số theo các Chương trình, đề án trọng tâm đã được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngành Xây dựng chú ý phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, công chức chuyên môn phụ trách phát triển đô thị trong việc quản lý, kiểm soát có hiệu quả tiến trình đô thị hóa. Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2020, Bộ Xây dựng đã triển khai bồi dưỡng, tập huấn hơn 36.300 lượt cán bộ, thuộc 8 nhóm đối tượng trong chương trình Đề án 1961.
Trước những yêu cầu của thực tiễn phát triển, ngành Xây dựng cũng luôn quan tâm, dành tối đa nguồn lực cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động quy hoạch xây dựng, đô thị, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị.
Các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật Xây dựng 2003, 2014, 2020, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã cơ bản tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy phát triển đô thị.
Thách thức mới và nhiệm vụ trọng tâm
Nhằm thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu, báo cáo để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho công tác phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm, ngành Xây dựng sẽ quyết tâm nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát trong phát triển đô thị. Đó là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Nguồn: Báo xây dựng