Phát triển hệ thống đô thị ven biển – nhìn từ kinh nghiệm của Pháp

Lời tòa soạn: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông – biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG BIỂN TẠI PHÁP VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Pháp là một trong những quốc gia có đường bờ biển với tổng chiều dài rất lớn. Chỉ tính riêng lãnh thổ chính quốc đã có 5.853km, trong đó có 2.840km đã được cải tạo thành đường bờ biển nhân tạo nhằm phục vụ cho các nhu cầu đô thị hoá và công nghiệp hoá. Bên cạnh đó cũng có một số khu vực bờ biển được cải tạo để đáp ứng nhu cầu du lịch và làm bãi tắm. 50% các hoạt động kinh tế biển của Pháp là khai thác du lịch và tạo ra công ăn việc làm cho 237.000 lao động. Các vùng đô thị duyên hải có sức hấp dẫn rất lớn đối với người dân Pháp.

Theo ước tính, cứ 8 người Pháp thì có 1 người sống tại một đô thị ven biển, vì vậy mật độ dân số tại các vùng duyên hải thường cao hơn 2,5 lần so với mức trung bình của cả nước. Dự báo tăng trưởng dân số của quốc gia này ước tính đến năm 2040, số cư dân sinh sống ven biển sẽ tăng 4,5 triệu người. Đây là mức tăng rất lớn đối với một quốc gia như Pháp, nơi có tỷ lệ tăng trưởng dân số tương đối thấp. Do đó, vấn đề phát triển các vùng duyên hải luôn được chú trọng nhằm đảm bảo các dịch vụ chất lượng cho người dân tại các đô thị ven biển cũng như những đối tượng khác có nhu cầu sử dụng bờ biển.

Mặt khác, việc quy hoạch phát triển các đô thị này cũng tính đến những thách thức trong tương lai, đó là sự gia tăng dân số và chống biến đổi khí hậu. Tính đến nay, những khu vực bờ biển đang phải hứng chịu nguy cơ xói mòn chiếm đến 1/4 tổng chiều dài bờ biển của nước Pháp.

Đây có thể coi là kinh nghiệm đầu tiên cần tham khảo trong quá trình quy hoạch hệ thống bờ biển của Việt Nam: Một mặt cần quy hoạch phát triển các vùng lãnh thổ duyên hải có tính đến nhu cầu của dân số ngày càng gia tăng và đòi hỏi tiếp cận ngày càng nhiều dịch vụ có chất lượng tốt hơn; mặt khác cần kiểm soát các vấn đề môi trường và quá trình chuyển đổi sang một mô hình xã hội sinh thái hơn, giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu một cách tốt nhất.

Đặc điểm của lãnh thổ nước Pháp là không chỉ có một đường bờ biển kéo dài liên tục mà có nhiều đoạn khác nhau với cấu trúc địa hình rất đa dạng và khác biệt: Đường bờ biển Địa Trung Hải, bờ biển Đại Tây Dương với mũi Bretagne có cấu tạo địa hình riêng biệt và bờ biển phía bắc (Biển Bắc và eo biển Manche ngăn cách với nước Anh). Một số khu vực bờ biển của Pháp được coi như một thành phần của những quần thể rộng lớn hơn mà đôi khi cần có sự tham vấn quốc tế để có kế hoạch quản lý thích hợp đối với các khu vực ven bờ.

Tất cả các quốc gia ven biển ngày càng có xu hướng phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý đồng bộ hơn các tuyến bờ biển liền kề hoặc trong cùng một vùng biển nhất định. Sự phối hợp đó nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học biển vốn rất mong manh, đồng thời cũng cố gắng gìn giữ những nét đẹp hoang sơ của các dải bờ biển và sự phong phú về văn hóa của các cộng đồng cư dân duyên hải, đặc biệt là khu vực biển Địa Trung Hải.

Để quản lý dải bờ biển ven Địa Trung Hải có vai trò rất quan trọng và đặc thù, Chính phủ Pháp đã đệ trình Quốc hội thông qua “Luật Bờ biển” vào năm 1986 nhằm mục đích điều chỉnh sự phát triển đối với các khu vực duyên hải. Mục tiêu chính của văn bản luật này là nhằm bảo vệ toàn bộ các dải bờ biển trước nguy cơ đầu cơ bất động sản quá mức và giúp cho mọi người dân đều bình đẳng về quyền tiếp cận không gian ven biển. Các điều khoản trong luật này được xây dựng theo hướng cố gắng đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển bền vững và bảo vệ các khu vực duyên hải, đồng thời chú trọng tới các yếu tố sau:

Đổi mới: Thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và đổi mới liên quan đến các đặc điểm và tài nguyên của khu vực bờ biển;

Bảo vệ và gìn giữ môi trường: Bảo vệ sự cân bằng sinh học và sinh thái, chống xói mòn, bảo tồn các di tích và di sản;

Tính bền vững của kinh tế biển: Gìn giữ và phát triển các hoạt động kinh tế gắn với đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, các hoạt động vận tải biển và khai thác cảng biển, đáp ứng năng lực hải quân…”;

Tính bền vững của các hoạt động kinh tế khác: Duy trì và phát triển nông – lâm nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và du lịch”.

“Kế hoạch Xanh” cho khu vực biển Địa Trung Hải

Luật Bờ biển là động cơ thúc đẩy nhận thức của tất cả các bên liên quan trong việc lập quy hoạch sử dụng đất và có cách ứng xử với các không gian ven bờ một cách phù hợp với những đặc thù của những không gian đó. Đây chính là kinh nghiệm thứ hai mà các đô thị ven biển của Việt Nam có thể tham khảo để sớm có được sự điều chỉnh kịp thời trước tình trạng quy hoạch sử dụng đất một cách tràn lan đối với các khu vực ven biển như hiện nay. Cần phải coi các không gian ven biển như một vùng lãnh thổ đặc thù cần được điều chỉnh bằng một đạo luật riêng, tương tự như “Luật Thủ đô” đang áp dụng cho Hà Nội.

MỘT SỐ KINH NGHIỆM CỤ THỂ VỀ PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ VEN BIỂN TẠI PHÁP

1. Boulogne-sur-Mer

Boulogne-sur-Mer là một đô thị cỡ vừa thuộc Tỉnh Pas-de-Calais ở miền Bắc nước Pháp với dân số chỉ hơn 40.000 người (số liệu năm 2019). Đây là một thành phố có lịch sử đô thị khá lâu đời với sự tồn tại đã được chứng minh từ thời Đế chế La Mã. Vai trò của thành phố này trong lịch sử nước Pháp gắn liền với hai yếu tố quan trọng: Vị trí rất gần nước Anh (từ một số điểm nhìn trên cao của thành phố, người ta có thể nhìn thấy bờ biển nước Anh) và ngành công nghiệp đánh bắt cá.

Dưới thời Đế chế La Mã, trong nỗ lực chinh phục nước Anh, Hoàng đế Julius Caesar đã thiết lập một doanh trại quân đội tại một địa điểm trên cao của thành phố này. Sau đó, vào thời Trung cổ, với tầm nhìn từ trên cao cho phép bao quát toàn bộ mọi động tĩnh của kẻ thù thời kỳ đó là quân Anh, Boulogne-sur-Mer đã được xây dựng như một thị trấn điển hình với những pháo đài bề thế vẫn còn tồn tại đến ngày nay và được gọi là khu vực thành thượng.

Trước tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng, khu vực này với diện tích hạn chế không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân nên các vùng ngoại ô nhanh chóng được đô thị hoá, đặc biệt là về phía cửa sông, từ đó tạo ra một khu vực thứ hai được gọi là thành hạ. Đây chính là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế tấp nập xoay quanh nghề đánh bắt cá.

Trong suốt nhiều thế kỷ dưới thời Trung cổ, Boulogne-sur-Mer luôn là nguồn cung cấp cá tươi đầu tiên cho triều đình và cho thủ đô Paris. Kể từ thế kỷ 16, sự phân chia thành phố thành hai vùng riêng biệt đã trở thành một nét đặc trưng khá phổ biến của nhiều đô thị lịch sử bên bờ biển nước Pháp và thể hiện một cách hoàn hảo chức năng kép của chúng: thành thượng đóng vai trò phòng thủ và thành hạ phát triển ngư nghiệp (đánh bắt cá).

Bản đồ quy hoạch đô thị cổ Boulogne-sur-Mer do Jean-Baptiste Jacques de Beaurain lập vào thế kỷ 16

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Boulogne-sur-Mer luôn nắm giữ vai trò phòng thủ và quân sự. Trong những năm 1803 – 1805, Napoléon Bonaparte đã thiết lập một doanh trại quân đội tại đây một lần nữa để đánh bại người Anh. Và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng giống như nhiều thành phố khác dọc theo bờ biển nước Pháp, Boulogne-sur-Mer tiếp tục là chiến trường giữa quân Đức – khi đó đang chiếm đóng nước Pháp – và quân Đồng minh (Pháp, Anh, Hoa Kỳ).

Cuộc Cách mạng Công nghiệp trong thế kỷ 19 là thời điểm phát triển và mở rộng đô thị đáng kể. Đặc biệt, khu vực thành hạ được tổ chức lại hoàn toàn nhằm phục vụ hoạt động đánh bắt và chế biến cá. Ví dụ, tuyến đường sắt được xây dựng ở Pháp vào giữa thế kỷ 19 đã cho phép vận chuyển cá tươi đến Paris nhanh chóng hơn.

Tuyến Boulogne-sur-Mer/Paris cũng là tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng tại Pháp. Vùng cửa sông La Liane từng bước được phát triển theo hướng cải tạo cho phép tàu thuyền đánh cá cập bến ngày càng đông với sản lượng đánh bắt lớn hơn. Bản vẽ quy hoạch thành phố năm 1894 thể hiện rất rõ sự phát triển tại vùng cửa sông này với các tuyến kè hoàn toàn nhân tạo và vị trí của ga xe lửa. Còn bên kia sông trong một quận đô thị “mới” với phần lớn diện tích được dành để xây dựng các xưởng sơ chế cá tươi và xưởng hun khói (kỹ thuật truyền thống hun khói cá trích).

Bản đồ quy hoạch Boulogne-sur-Mer năm 1894

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Boulogne-sur-Mer bị tàn phá nặng nề. Việc tái thiết sau chiến tranh chính là thời điểm tái cấu trúc thành phố và tổ chức lại không gian theo chủ nghĩa công năng với nhiều khu vực rất khác nhau: bãi tắm công cộng dọc theo trục đường chính phía trung tâm thành phố; khu nội đô lịch sử trong khu vực thành thượng; khu thành hạ trở thành một khu biệt thự được xây dựng lại hoàn toàn và khu vực bên kia sông chuyển thành cảng, khu công nghiệp chuyên dụng phục vụ các hoạt động đánh bắt và chế biến thủy hải sản.

Sự phân chia không gian này khá phổ biến ở các đô thị ven biển của Pháp. Nó có thể được hiểu theo một tầm nhìn mang nặng tính chất phân khu chức năng, một tư tưởng có vẻ khoa học trong quy hoạch đô thị, nhưng lại tạo ra những rối loạn chức năng về mặt xã hội. Sự thiếu đan xen về chức năng cũng có nghĩa là thiếu sự đa dạng về mặt xã hội và sự đơn điệu nhất định về kiến trúc và đô thị. Quy hoạch sử dụng đất năm 2018 cũng cho thấy phần mở rộng của cơ sở hạ tầng cảng ở bờ đối diện với khu trung tâm thành phố, hiện đang phát triển ở các địa bàn lân cận (đặc biệt là khu vực “Le Portel”).

Quy hoạch sử dụng đất năm 2018 của Boulogne-sur-Mer
Quy hoạch sử dụng đất năm 2018 của Boulogne-sur-Mer
Boulogne-sur-Mer năm 2018

Từ ví dụ của Boulogne-sur-Mer, chúng ta có thể thấy cần quy tụ nhiều chức năng khác nhau trên cùng một địa bàn đô thị hoặc lãnh thổ, chẳng hạn như các hoạt động cảng, các dịch vụ đô thị thông thường, các hoạt động du lịch và văn hóa,… Tuy nhiên, việc kết hợp giữa các hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực hoặc ngành nghề khác nhau trong cùng một khu vực cần được nghiên cứu một cách bài bản, tránh tình trạng tập trung theo kiểu tự phát có thể gây ra nhiều vấn đề.

Ví dụ, các hoạt động công nghiệp gắn với khai thác cảng biển đôi khi gây ô nhiễm và không tương thích nếu có vị trí gần bãi tắm công cộng. Trên không ảnh chụp năm 2018, khu vực cảng Boulogne- sur-Mer đã xuất hiện thêm một sòng bạc và một rạp xiếc nhằm duy trì các hoạt động thu hút đông người về ban đêm, tránh tình trạng quá vắng vẻ có thể gây mất an ninh trật tự.

Mặt khác, sự tách biệt về không gian cũng dẫn đến sự phân biệt về mặt xã hội: một số khu phố chỉ là nơi sinh sống của các gia đình giàu có với các cửa hàng sang trọng, trong khi các khu dân cư nghèo gần đó sống khó khăn. Sự phân hoá không gian như vậy rất dễ tạo ra cảm giác ghen tị, căng thẳng xã hội và đôi khi là bất ổn. Nói tóm lại, các đô thị ven biển cần được phát triển đa dạng hơn về chức năng và xã hội.

2. Các thành phố lớn của Địa Trung Hải

Hầu hết các thành phố ven biển Địa Trung Hải đều có xu hướng phát triển đô thị thiên về du lịch. Vùng Côte d’Azur phía Nam nước Pháp đã chào đón hơn 13 triệu lượt khách du lịch vào năm 2019 (trong đó một nửa là khách nội địa). Ngành du lịch đóng góp vào GDP địa phương lên tới 7 tỷ Euro mỗi năm. Những kết quả ấn tượng về sức hút du lịch tại khu vực này có thể được phản ánh qua một vài số liệu như sau:

Hệ thống giao thông: Các sân bay tại Nice, Cannes, Marseille; các tuyến tàu cao tốc TGV nối Paris và các thành phố lớn khác ở Pháp và Châu Âu; mạng lưới đường bộ và đường cao tốc dày đặc.

Cơ sở hạ tầng du lịch: 35 bến du thuyền, 17 sân golf, 16 sòng bạc, 200 bãi biển đầy đủ tiện nghi, 15 khu nghỉ dưỡng thể thao mùa đông gần biển.

Khách sạn và cơ sở ăn uống: 5.900 nhà hàng, 150.000 giường tại các cơ sở lưu trú bao gồm cả khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ AirB & B…

Cả hai thành phố du lịch Cannes và Nice bên bờ Địa Trung Hải đều có các khu tản bộ bên bờ biển nổi tiếng thế giới: “la promenade des Anglais” ở Nice và “la Croisette” ở Cannes. Hai không gian này, mặc dù đã rất nổi tiếng trong suốt thời gian qua, song vẫn được chính quyền địa phương đầu tư cải tạo nhằm đáp ứng tốt hơn mong đợi của cư dân thành phố và nhu cầu của khách du lịch. Trong cả hai dự án cải tạo, vấn đề đặt ra là kiểm soát xe hơi cá nhân, quản lý thành phố sinh thái hơn và cải thiện đồng bộ hệ thống giao thông theo hướng dành nhiều ưu tiên cho các phương thức giao thông mềm (người đi bộ và xe đạp).

Ban đầu, đây là một trục đường chính dọc theo bãi biển, nơi có gần 100.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày. Tình trạng giao thông đông đúc như vậy đã tạo ra một rào cản lớn giữa mặt biển và không gian đô thị hay nói một cách cụ thể hơn là rào cản giữa các nhà hàng, quán cà phê và khách sạn với bãi biển. Kể từ năm 2010, chính quyền thành phố xác định những mục tiêu như sau:

Dành nhiều không gian hơn cho người đi bộ;

Khôi phục lại sự kết nối bãi biển với thành phố;

Đảm bảo cho việc di chuyển của các phương tiện thông suốt hơn (quy hoạch hai tuyến xe điện bên cạnh việc mở rộng phần đường cho người đi bộ);

Trồng nhiều cây hơn để đảm bảo cho người đi bộ có nhiều bóng mát và dễ chịu hơn: lựa chọn một giống cọ có tán đẹp và rộng nhằm tạo được nhiều bóng mát, song có thân cây thanh mảnh để tạo tầm nhìn thông thoáng hướng ra biển.

Dự án cải tạo “La promenade des Anglais” ở Nice – 2010

Tại Nice, dự án quy hoạch không gian ven biển là cơ hội để nhìn nhận lại mối quan hệ giữa thành phố và biển, với một tầm nhìn sinh thái hơn và chất lượng hơn cho người dân địa phương và du khách. Dự án này ưu tiên cho các phương thức giao thông mềm và thân thiện với môi trường (người đi bộ, xe đạp, tuyến xe điện…) và đây là một bước đột phá thực sự so với phương thức phát triển cũ là quy hoạch các trục đường ô tô chạy dọc theo bãi biển.

3. Đại lộ Croisette ở Cannes

Croisette là một đại lộ dài 2,6km dọc theo bãi biển với hàng loạt khách sạn sang trọng. Quần thể này bao gồm một trục đường giao thông, một đường đi dạo cho người đi bộ và bãi biển với các tiện ích riêng. Từ lâu nay, thành phố Cannes luôn được cả thế giới biết đến với sự kiện điện ảnh có quy mô toàn cầu là “Liên hoan phim Cannes” và đại lộ Croisette chính là một phần không thể tách rời trong khuôn viên lễ hội, tương tự như các công trình Palais des Festivals (nơi tổ chức lễ trao giải LHP Cannes) và Congrès de Cannes (nơi trình chiếu và chấm giải cho các phim tham dự liên hoan).

Năm 2020, chính quyền thành phố Cannes đã tiếp quản quyền quản lý trực tiếp một khu cảng nằm liền kề với đại lộ Croisette được chuyển giao từ một công ty tư nhân. Ngay lập tức, khu cảng này được quy hoạch lại thành một không gian công cộng thứ hai nằm dọc theo bãi biển, trong đó bao gồm một quảng trường trung tâm với nhiều cây xanh lớn, bố trí các bãi đỗ xe, các lối tiếp cận thuận tiện cho người khuyết tật và các công trình tiện ích công cộng.

Đại lộ Croisette tại Cannes

KẾT LUẬN – KHUYẾN NGHỊ

Qua những trường hợp tham khảo về quy hoạch đô thị ven biển tại Pháp, chúng ta có thể thấy việc phát triển các khu vực duyên hải đặt ra rất nhiều thách thức: Đáp ứng nhu cầu của người dân, phát triển kinh tế địa phương nhưng phải bảo vệ cảnh quan, đa dạng sinh học và di sản. Mức độ và quy mô can thiệp của các dự án phải linh hoạt và có tính đến chuỗi liền mạch của cảnh quan, tránh tình trạng “băm nát” các dải bờ biển. Về cơ bản, không nên quy hoạch phát triển các đô thị ven biển theo kiểu đơn chức năng. Ngay cả khi du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế địa phương, các dịch vụ đô thị cho người dân địa phương vẫn là một yếu tố cần thiết, sự đa dạng về chức năng và xã hội là quan trọng để phát triển bền vững và hài hoà.

Các dự án quy hoạch không gian công cộng dọc bờ biển nên ưu tiên người đi bộ và phương thức giao thông mềm chứ không nên dành nhiều ưu tiên cho ô tô cá nhân để không tạo ra sự ngăn cách giữa thành phố và biển, điều đáng tiếc là trường hợp này lại xảy ra quá thường xuyên tại Việt Nam. Những trục đường lớn mà chúng ta thường thấy ở các đô thị ven biển ở Việt Nam (Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng,…) không nên chỉ được coi là trục đường giao thông mà cần quan tâm nhiều hơn đến người đi bộ và dựa vào thảm thực vật bản địa để tạo được nhiều bóng râm dọc theo bãi biển. Qua những bài học thành công của hai thành phố Nice và Cannes thuộc vùng Côte d’Azur, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm hay có thể áp dụng được như sau:

Phát huy giá trị hệ thực vật bản địa để tạo nên những không gian tản bộ có nhiều bóng mát và duy trì kết nối trực quan giữa biển và thành phố (không tạo ra hiệu ứng rào cản);

Dành nhiều không gian hơn cho người đi bộ và các hình thức giao thông mềm;

Các trục đường ven biển cần áp dụng các biện pháp hạn chế tốc độ xe cơ giới;

Đặc biệt chú trọng tới thiết kế mặt tiền của các công trình nhìn ra bãi biển, trong đó bao gồm cả những công trình di sản được bảo tồn và những công trình xây mới theo kiến trúc đương đại;

Kiến tạo các không gian gặp gỡ, giao lưu giữa nhiều cộng đồng khác nhau (đặc biệt là giao lưu giữa khách du lịch và cư dân địa phương)./.

Thế Công
Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích