Phát huy tiềm năng du lịch địa chất tạo sinh kế bền vững cho người dân
(TN&MT) – Hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Ninh Bình, Lai Châu, Sơn La… đều là những địa phương nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nếu biết tận dụng và phát huy những lợi thế về du lịch địa chất, các địa phương này sẽ phát triển hiệu quả du lịch, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế địa phương phát triển và hội nhập quốc tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Các địa phương giàu tiềm năng du lịch địa chất đã giảm nghèo?
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-LĐTBXH ngày 22/2/2022, hầu hết các tỉnh có tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Đăk Nông, Lai Châu, Sơn La,… đều có số hộ nghèo, cận nghèo vào tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.
Cụ thể, Hà Giang và Cao Bằng là 2 địa phương có 2 công viên địa chất đầu tiên tại Việt Nam với sức hấp dẫn địa chất rất lớn đối với không chỉ khách du lịch trong nước, mà với cả khách quốc tế. Tuy vậy, đây lại là 2 địa phương có số hộ nghèo, cận nghèo đứng thứ 2 và thứ 3 với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của 2 tỉnh lần lượt là 18,54%, 13,04% và 18,36, 16,34%.
Theo thống kê, 2/6 địa phương (Hà Giang, Cao Bằng) trong nhóm các tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch địa chất quy mô lớn (Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh, Đăk Nông) có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất Việt Nam, 3 tỉnh nằm trong nhóm trung bình thấp (vị trí từ 20 – 40 trong toàn quốc). Ngoại trừ Quảng Ninh là tỉnh nằm trong nhóm đầu… xếp hạng thu nhập bình quân và vị trí ngược lại đối với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các tỉnh giàu tiềm năng du lịch địa chất.
Trong khi đó, tại tỉnh Ninh Bình, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ở mức 30% vào năm 1995 đã giảm xuống còn 2,91% vào năm 2015 theo tiêu chí nghèo đơn chiều và từ 7,46% vào năm 2015 xuống còn 1,87% năm 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều. Theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, toàn tỉnh Ninh Bình có 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%. Một trong những nguyên nhân là do Ninh Bình tạo ra số việc làm với thu nhập ổn định gắn với hoạt động du lịch tại khu du lịch Tràng An và Tam Cốc – Bích Động lên đến hàng ngàn người.
Như vậy, hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch địa chất ở Việt Nam hiện nay đều là những tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, số hộ nghèo, cận nghèo và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Tuy nhiên, đây cũng là những địa phương có tiềm năng thoát nghèo nhanh chóng nếu biết tận dụng, khai thác thế mạnh của mình trong hoạt động du lịch như bài học của tỉnh Ninh Bình đã thực hiện trong thời gian hơn 10 năm qua.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) diễn ra từ ngày 22-24/11 tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cho rằng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có nhiều lợi thế so sánh trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Nếu Đắk Nông biết tận dụng và phát huy những lợi thế đó, sẽ phát triển hiệu quả du lịch, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế địa phương phát triển và hội nhập quốc tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Phát triển du lịch địa chất góp phần tăng doanh thu du lịch
Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và chính thức xuất hiện trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với 177 điểm đến. Đến nay, việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được cấp các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và cộng đồng trong vùng Công viên địa chất nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và quan tâm, hưởng ứng tham gia vào các hoạt động của Công viên địa chất.
Thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Trần Tân Văn so sánh, yêu cầu của các công viên địa chất là phải khác nhau. Các công viên địa chất khác ở miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là đá vôi, chiếm diện tích đến 60-70%. Trong khi đó, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan, về sau phân hóa ra thành đất đỏ trù phú mang lại nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, cây ăn quả.
Toàn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m.
Điểm đặc sắc, đặc biệt nhất so với toàn thế giới và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra những di chỉ khảo cổ của người tiền sử, trong đó có 1 bộ di cốt người tiền sử cách đây 6.000-7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình ở trong hang động núi lửa. Do đó, nếu Đắk Nông biết tận dụng và phát huy những lợi thế mà Công viên địa chất toàn cầu mang lại, sẽ phát triển hiệu quả du lịch Công viên địa chất tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Để phát triển du lịch địa chất gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch. Các điểm đến được xây dựng theo 3 chủ đề chính: “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất” nhằm khai thác tốt nhất giá trị văn hóa, di sản và địa chất.
Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp, ngành du lịch tỉnh đã đón nhận những tín hiệu đáng mừng. Theo thống kê, tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 244.500 lượt khách, tăng 108,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 31.400 lượt khách.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.671 tỷ đồng, tăng 77,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 90,12 tỷ đồng, tăng 63,0%; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.580,14 tỷ đồng, tăng 77,98%; du lịch lữ hành đạt 450 triệu đồng, tăng 93,97%.
Đây chính là kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực cấp uỷ chính quyền và toàn thể người dân trong thúc đẩy phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch địa chất nói riêng tại địa phương.