Phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nội lực được xác định là nền tảng, đóng vai trò quyết định; ngoại lực là yếu tố không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Đại dịch COVID-19 đang khiến trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và bất định, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, để ổn định và phát triển đòi hỏi nền kinh tế phải sử dụng hiệu quả nội lực; đồng thời, cần tranh thủ và tận dụng một cách khôn khéo, linh hoạt và hiệu quả ngoại lực. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ động lực của nền kinh tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN và Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dưới đây sẽ cho thấy rõ hơn nội dung trên.
– Xu thế thương mại hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Việc tăng cường và phát huy nội lực để chủ động phát triển trong môi trường ổn định là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Theo ông, đối với Việt Nam, đâu là những nội lực của nền kinh tế?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Tùy vào điều kiện và tình hình cụ thể, mỗi nền kinh tế có các nội lực, ngoại lực giống và khác nhau. Đối với kinh tế Việt Nam, ổn định vĩ mô là một trong những nội lực quan trọng của đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro và bất định sẽ tạo niềm tin, cơ sở vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, tiến hành sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Với môi trường vĩ mô ổn định trong những năm qua vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của nền kinh tế luôn chiếm trên 33% trong GDP; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chiếm khoảng 23% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Mỗi năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp mới thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của nền kinh tế tại thời điểm cuối năm 2020 là 811.500 doanh nghiệp.
Cùng với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, biết tạo lập và tận dụng cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nội lực quan trọng không thể thiếu cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân.
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp tạo ra trên 60% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động, chiếm 27,6% trong tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, thông minh, không khoanh tay trước những khó khăn, biến cố, biết cách “biến nguy thành cơ” là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế.
Thực tế trong năm 2020 và đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã làm đứt gãy hoạt động sản xuất và lưu thông của nền kinh tế, gây ra nhiều khó khăn cho khu vực doanh nghiệp. Để thích ứng với đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Có khoảng 2/3 số doanh nghiệp đã áp dụng ít nhất một trong những giải pháp để thích ứng với hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Bên cạnh đó, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn; lòng nhân ái bao dung, nhường cơm sẻ áo tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn là nội lực vô giá, không phải đất nước nào cũng có được. Nội lực này là cơ sở, nền tảng vững chắc để dân tộc Việt Nam vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn, thách thức.
– Ông vừa đề cập tới môi trường vĩ mô ổn định, cộng đồng doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng đầu tư sản xuất, để có được điều này, phải chăng vai trò của Chính phủ rất quan trọng?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Để có được môi trường vĩ mô ổn định, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của Chính phủ. Đó là năng lực hoạch định và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp và khả thi; khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn- đây chính là một trong những nội lực quan trọng, không thể thiếu để đất nước phát triển.
– Thưa ông, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là ngoại lực quan trọng bổ sung nội lực cho nền kinh tế. Vậy theo ông, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội để thu hút ngoại lực này chưa?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: FDI không chỉ mang vốn mà còn đưa vào nền kinh tế công nghệ sản xuất tiên tiến, khả năng quản trị, kinh doanh và khả năng tổ chức.
Trong những năm qua, FDI có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Bình quân giai đoạn 2016-2020, vốn FDI thực hiện chiếm 22,9% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tỷ trọng GDP của khu vực FDI chiếm khoảng 20% trong tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế. Khu vực FDI thu hút gần 5 triệu lao động, chiếm 31,8% tổng số lao động, tạo ra lợi nhuận cao nhất chiếm trên 42% tổng lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh của khu vực FDI đều cao hơn khá nhiều so với khu vực kinh tế trong nước.
Tuy vậy, việc tận dụng ngoại lực về công nghệ, năng lực quản lý và khả năng kinh doanh từ đầu tư trực tiếp nước ngoài của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế.
Không những thế, các dự án FDI chưa đóng góp đáng kể vào việc gắn kết kinh tế trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết dự án FDI là 100% vốn nước ngoài, liên doanh giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước không đáng kể; không đạt được mục đích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến.
Hiện nay, với niềm tin của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam, chúng ta cần nhanh chóng tận dụng cơ hội thu hút nguồn lực từ bên ngoài để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
– Trước những khó khăn hiện nay của kinh tế Việt Nam cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông có thể chỉ ra đâu là những động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước hết, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch cho khu vực doanh nghiệp; tháo gỡ các nút thắt, xoá bỏ nhũng nhiễu và chi phí ngầm của doanh nghiệp. Cùng đó là tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất, hướng tới cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP, chuyển dần lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; đồng thời, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp.
Cùng với đó, là đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng.
Theo tôi, đầu tư công cũng là động lực và giải pháp quan trọng, có tính lan toả rất lớn đối với đầu tư tư nhân và FDI; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản trị xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống cũng là xu hướng tất yếu của các quốc gia; đồng thời, áp dụng công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Đô thị hóa cũng là một động lực để tăng tổng cầu của nền kinh tế qua tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm. Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị gấp khoảng 1,8 lần khu vực nông thôn và chi tiêu gấp 1,6 lần.
– Để phát huy nội lực của đất nước, tận dụng kịp thời và hiệu quả ngoại lực, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng đang là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước. Ông có thể đề xuất một số giải pháp để Việt Nam đạt được các nhiệm vụ trên?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước mắt, Việt Nam cần sửa đổi bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nội lực và ngoại lực của đất nước.
Cùng với đó, nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị quốc gia, đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực, chất lượng phân tích, đánh giá, dự báo các lĩnh vực.Cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao cũng là giải pháp cần được quan tâm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tưnhằm đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức quản lý, phát triển và ứng dụng kỹ thuật sốđể phục vụ phát triển đất nước.
Ngoài ra, Việt Nam cần đổi mới phương thức sử dụng nguồn vốn trong nước qua các dự án đầu tư và chi tiêu ngân sách. Theo đó cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rút ngắn thời gian thi công vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương…
Đối với Việt Nam, nội lực được xác định là nền tảng, đóng vai trò quyết định; ngoại lực là yếu tố không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có chiến lược và giải pháp phù hợp để “nuôi dưỡng và phát huy” nội lực, tận dụng hiệu quả ngoại lực trong từng giai đoạn phát triển đất nước.
– Xin cám ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng