Phát huy giá trị di sản bằng công nghệ số

Chuyển đổi số là đòn bẩy

Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của Bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật bằng audio, text, ảnh chất lượng cao, trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng. Hiện nay, khoảng 10 – 15% khách đến thăm bảo tàng sử dụng công nghệ thông minh này để thuyết minh đa phương tiện. Ứng dụng công nghệ này giúp xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, và đặc biệt là về nội dung.

Phát huy giá trị di sản bằng công nghệ số
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng chuyển đổi số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật.

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Nhiều hướng dẫn viên chia sẻ họ không dám đưa khách vào bảo tàng mỹ thuật, bởi vì họ không am hiểu. Đây cũng là điều mà những người làm bảo tàng như chúng tôi trăn trở trong nhiều năm. Do đó, iMuseum VFA ra đời để thuyết minh thay cho những người hướng dẫn viên nhằm giúp tăng cường lượng khách vào thực tế. Sau khi ứng dụng công nghệ, số lượng khách vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tăng từ 30 – 40%”.

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bước đầu có thêm nguồn thu. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Phí sử dụng ứng dụng iMuseum VFA là 50.000 đồng/lượt, với thời lượng lên đến 8 giờ, và với 8 ngôn ngữ khác nhau. Nếu ở Mỹ hoặc bất kỳ nơi đâu trên thế giới, du khách cũng chỉ cần trả 2 USD để sử dụng công nghệ này trong việc tham quan các tác phẩm ở bảo tàng”.

Sau khi ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn, ứng dụng iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá rất cao từ bạn bè quốc tế. Công nghệ hỗ trợ cho khách tham quan có trải nghiệm và lan tỏa tình yêu nghệ thuật tới công chúng và hiểu biết của họ đối với bảo tàng. Trên 50% khách quốc tế sử dụng iMuseum, thậm chí tỷ lệ này đối với du khách Hàn Quốc lên tới 90%.

Tương tự, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng rất chú trọng đầu tư chuyển đổi số trong hoạt động và quảng bá di tích. Theo TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiểu được điều này, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã bước đầu triển khai một số hoạt động liên quan tới chuyển đổi số.

Trước hết, Văn Miếu đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị của 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan. Bên cạnh đó, Văn Miếu đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. Trong năm 2022, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang triển khai một số hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu vật thể và phi vật thể tại di tích và ứng dụng, các tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng phục vụ cho khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản vẫn còn nhiều khó khăn. Theo TS. Lê Xuân Kiêu, khó khăn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số chính là nhận thức của những người lãnh đạo và của chính cán bộ. Bởi vì thực tế ngay chính cán bộ cũng nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất công việc của người lao động. Khó khăn thứ hai là ở cơ chế, các văn bản pháp luật làm sao để chuyển đổi số tạo điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai được, cùng với sự chung tay của xã hội. Thứ ba, nguồn lực cho chuyển đổi số rất lớn. Do đó, cần phải ưu tiên, chọn lọc những việc tiến hành trước.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Để triển khai các hoạt động này thực sự hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi nỗ lực cố gắng của di tích và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để có thể huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia cho chuyển đổi số tại một di tích tiêu biểu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.

Còn đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, việc xây dựng nội dung cho sản phẩm số cũng là một khó khăn mà Bảo tàng phải đối mặt trong thời gian qua. Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đối với mỗi tác phẩm nghệ thuật, việc cảm nhận là rất khó. Bởi mỗi người đều có cảm nhận khác nhau về một tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, việc tạo ra một nội dung với mẫu số chung nhất để phù hợp, đồng thời lại ngắn gọn, dễ hiểu với các đối tượng là không đơn giản. “Thực tế, để giải quyết “bài toán” này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhờ các chuyên gia về mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật cùng các cán bộ khoa học để xây dựng ra các sản phẩm nội dung phù hợp. Chúng tôi đã mất hơn 2 năm để tạo ra ứng dụng công nghệ iMuseum VFA và nhờ các chuyên gia cùng xây dựng sản phẩm này. Khó khăn lớn nhất là làm sao để tích hợp nội dung về tác phẩm một cách ngắn gọn với thời gian chỉ 3 phút”, TS. Nguyễn Anh Minh cho biết.

Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích