Phát huy bản sắc kiến trúc Hà Giang, hành trang vươn tầm cao mới
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc với 19 dân tộc anh em. Chính vì vậy kiến trúc tại Hà Giang bị ảnh hưởng bởi sự đa dạng, giao thoa của nhiều nền văn hóa đặc sắc. Trước tình hình phát triển kiến trúc của đất nước cũng như kiến trúc tại tỉnh Hà Giang đang có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa bản sắc kiến trúc Việt Nam, kiến trúc địa phương và các xu hướng kiến trúc thời đại. Để nhận diện rõ hơn về bức tranh tổng thể phát triển kiến trúc, quy hoạch, xây dựng Hà Giang trong giai đoạn mới, PV Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn về vấn đề này! Trân trọng giới thiệu tới độc giả.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn |
PV: Thưa Ông, Hà Giang xưa được biết đến là vùng đất tuyến đầu, điểm cực Bắc của Tổ quốc với địa hình núi đá hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Diện mạo Hà Giang hôm nay đã và đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm2020. Ông có thể chia sẽ rõ hơn về công tác quản lý trong lĩnh vực kiến trúc tại địa phương đã được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra khá nhanh, đặc biệt tại các đô thị như thành phố Hà Giang, thị trấn Việt Quang, thị trấn Yên Minh, thị trấn Đồng Văn, các đô thị có tiềm năng phát triển về hệ thống dịch vụ, du lịch; Đã phát triển và hình thành tổng thể kiến trúc ở khu vực đô thị trên cơ sở phân bố và phát triển hệ thống đô thị theo Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2020 và Các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt.
Tổng thể kiến trúc của mỗi vùng và đô thị đã có bản sắc riêng phù hợp với đặc thù của khu vực, kết hợp hài hoà giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng. Việc cải tạo, xây dựng mới trong đô thị đã được quản lý, tuân thủ các quy định về quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị.
Tỉnh Hà Giang cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống.
Các công trình cần hoà hợp với thiên nhiên và giữ được nét văn hoá bản địa |
Cụ thể, đối với Đô thị Hà Giang, từ năm 2003 đến nay tốc độ đô thị hóa của thị xã Hà Giang diễn ra rất nhanh, sau khi được Chính phủ công nhận là thành phố Hà Giang vào năm 2010, diện mạo kiến trúc của thành phố đã có những thay đổi tích cực đặc biệt là tại các khu vực phát triển mới. Thành phố Hà Giang đã có những công trình điểm nhấn tại khu trung tâm, các công trình công cộng, dịch vụ thương mại, cơ quan, nhà ở và các khu đô thị mới đã tạo nên một diện mạo cho một đô thị phát triển.
Tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo tồn kiến trúc làng, bản tại địa bàn các xã ngoại thành như Phương Độ, Phương Thiện…, với định hướng phát triển, gìn giữ không gian cảnh quan tự nhiên, không gian nông nghiệp, bảo tồn các loại hình kiến trúc nhà ở truyền thống của khu vực, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ sinh thái, bảo tồn – phát huy giá trị không gian định cư truyền thống của đồng bào dân tộc các thôn hiện hữu. Phát triển dựa trên lợi thế không gian cảnh quan tự nhiên, các khu vực nông nghiệp (Đây cũng được xác định là khu vực vành đai sinh thái tạo điểm nhấn cho đô thị Hà Giang).
Tại Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1578/QĐ-TTg, ngày 13/10/2020 có mục tiêu Định hướng phát triển đô thị Hà Giang theo các tiêu chí đô thị loại II, có không gian được mở rộng, khu vực phát triển hiện hữu được nâng cấp cải tạo, đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực, gìn giữ bản sắc cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống của đô thị.
PV: Được biết, Quy chế quản lý kiến trúc là công cụ để kiểm soát hoạt động xây dựng đảm bảo sự phù hợp của công trình với không gian kiến trúc đô thị. Vậy việc này đã được Hà Giang thực hiện cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Trên địa bàn tỉnh có 14 đô thị, đến nay đã có 08 đô thị có Quy chế quản lý kiến trúc. Các đô thị còn lại đang trong quá trình triển khai lập quy chế để đảm bảo việc quản lý đầu tư xây dựng tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt.
Quy chế quản lý kiến trúc là công cụ để kiểm soát hoạt động xây dựng đảm bảo sự phù hợp của công trình với không gian kiến trúc đô thị |
Đối với các đô thị đã có quy chế kiến trúc được phê duyệt: Các đô thị đã quản lý việc đầu tư xây dựng cơ bản tuân thủ theo đồ án quy hoạch xây dựng, quy định quản lý theo đồ án và quy chế quản lý kiến trúc.
Tại khu vực nông thôn, hiện nay 177/177 xã trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang đã có đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được phê duyệt, đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch được phê duyệt. Bộ mặt kiến trúc tại các khu vực trung tâm xã và các điểm dân cư tập trung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, đã hình thành tổng thể kiến trúc tại các điểm dân cư tập trung, trung tâm xã, trên cơ sở tuân thủ các quy định của quy hoạch xây dựng; Đa số các công trình xây dựng tại khu vực nông thôn có quy mô ít tầng, mái dốc, kế thừa hình thức kiến trúc truyền thống, gắn bó hài hoà với khung cảnh thiên nhiên, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
Chúng tôi phát triển kiến trúc tại khu vực nông thôn trên cơ sở bảo tồn các truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai; từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển các công trình kiến trúc mới có chất lượng phù hợp, tránh xây dựng các hình thức kiến trúc không phù hợp (Đặc biệt các khu vực giáp biên, các khu vực trong vùng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên Đá Đồng Văn).
Theo đó, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản kiến trúc đã được trú trọng (Kiến trúc nhà Vương, Khu phố cổ Đồng Văn, kiến trúc nhà dân tộc Mông, kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày…) trong quá trình hội nhập và xu thế toàn cầu hóa. Đặc biệt việc đầu tư xây dựng không được gây ảnh hưởng tới các di sản địa chất, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa địa bàn toàn tỉnh. UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan xây dựng các mẫu thiết kế nhà ở theo bản sắc dân tộc, phù hợp với từng vùng miền để người dân tham khảo, áp dụng.
Chợ cổ Đồng Văn |
PV: Đối với công tác quản lý quy hoạch, xin Ông cho biết Hà Giang đã và đang tập trung vào những nhiệm vụ gì?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Như chúng ta đã biết, Quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng, thực hiện đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; hướng đến thực hiện mục tiêu đô thị xanh.
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 có 9 phân khu, với tổng diện tích gần 18.000ha, bao gồm thành phố Hà Giang hiện hữu và khu vực mở rộng thuộc một phần các xã Phong Quang, Đạo Đức, Kim Thạch, Phú Linh (Vị Xuyên). Các quy hoạch phân khu, gồm: Khu đô thị Trần Phú – Minh Khai, khu đô thị Nguyễn Trãi, khu đô thị Quang Trung, khu đô thị Ngọc Hà, khu ven đô Ngọc Đường, khu ven đô Đạo Đức – Kim Thạch – Phú Linh, khu ven đô Phương Thiện, khu ven đô Phương Độ và khu ven đô Phong Quang. Về 2 quy hoạch chi tiết, gồm: Quy hoạch xây dựng trung tâm xã Pà Vầy Sủ (vị trí mới), huyện Xín Mần và quy hoạch xây dựng trung tâm xã Du Già (Yên Minh).
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thành phố Hà Giang đạt tiêu chí đô thị loại II, dần trở thành thành phố dịch vụ, du lịch, có môi trường sống hấp dẫn; hiện thành phố Hà Giang đang khẩn trương triển khai các Nghị quyết chuyên đề cũng như thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những giải pháp hàng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết về phát triển đô thị là Hà Giang đang tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật. Nhiều công trình, hạng mục được triển khai như: lát đá vỉa hè, trang trí đô thị, quản lý các hoạt động công ích cây xanh, điện chiếu sáng, điện trang trí đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Nhằm góp phần sớm đưa nghị quyết vào thực tế đời sống, song song với công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng, quản lý kiến trúc đô thị; thành phố Hà Giang cũng đã xây dựng các kế hoạch, mục tiêu cụ thể theo từng năm để triển khai thực hiện.
Một trong những giải pháp hàng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết về phát triển đô thị là Hà Giang đang tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch |
PV: Thưa Ông, đối với từng loại Quy hoạch theo cấp độ như Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu…. đã được địa phương triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sơn: Hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai 9 quy hoạch phân khu, trong đó 3 quy hoạch do UBND thành phố làm chủ đầu tư, 6 quy hoạch do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.
Cụ thể, đối với Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, tỉnh Hà Giang có Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07/04/2017 (bao gồm diện tích tự nhiên 04 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc).
Đối với Quy hoạch xây dựng vùng huyện, UBND tỉnh Hà Giang lựa chọn huyện Bắc Quang để tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện (thí điểm).
Đối với Quy hoạch chung đô thị, hiện tại trung tâm hành chính, chính trị của 11/11 huyện, thành phố đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng; các đồ án đã được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Một số đồ án đã đến thời kỳ điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển trong tình hình mới.
Đối với Quy hoạch phân khu đô thị, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1578/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035. Theo quy định Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, quy định “Các khu vực trong thành phố, thị xã phải được lập quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết”. Hiện tại UBND thành phố đang tổ chức triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị theo quy định.
Đối với Quy hoạch chi tiết đô thị, tỷ lệ triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng sau khi có quy hoạch chung xây dựng của các huyện còn hạn chế.Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nguồn kinh phí gặp không ít khó khăn.
Đối với Quy hoạch xây dựng nông thôn, Quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt 100% (177/177 xã thuộc huyện, thành phố đã có đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới được UBND các huyện, thành phố phê duyệt theo thẩm quyền), về cơ bản các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đều được định hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.
Hiện tại trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã xuất hiện những thay đổi về chính sách, chủ trương, các quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt làm thay đổi các dự báo của quy hoạch xây dựng nông thôn. Các biến động làm ảnh hưởng đến các dự báo về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nên một số định hướng trong đồ án quy hoạch không còn phù hợp với định hướng phát triển của xã trong giai đoạn hiện nay.
PV: Được biết, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Hà Giang đang tập trung vào Quy hoạch các khu chức năng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Vậy công tác này đang được địa phương triển khai như thế nào?Thưa Ông!
Ông Nguyễn Văn Sơn: Đối với Quy hoạch khu chức năng, UBND tỉnh cũng đã triển khai lập đồ án quy hoạch các khu chức năng như Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; Các Cửa khẩu phụ; Các Lối mở biên giới; Khu Công nghiệp Bình Vàng; Cụm các trường chuyên nghiệp của tỉnh tại xã Phong Quang; Cụm công nghiệp Nam Quang, Cụm công nghiệp Tùng Bá, Cụm công nghiệp Minh Sơn 2…
Trong giai đoạn đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch Khu du lịch tại xã Lũng Cú, quy mô 450ha; Khu du lịch tại xã Sà Phìn, quy mô 150ha; Khu du lịch tại ngã ba Tráng Kìm, quy mô 400ha; Khu du lịch tại thôn Nà Vìn, Nặm Đăm, quy mô 300ha; Khu du lịch tại xã Du Già, quy mô 250ha.
Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, diện mạo kiến trúc đô thị của Hà Giang đã có sự thay đổi tích cực theo hướng khang trang, quy củ, phát triển phù hợp với đặc điểm hiện trạng tự nhiên, xã hội của đô thị và định hướng theo các đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Các đồ án quy hoạch chung đã được nghiên cứu trên cơ sở hiện trạng tự nhiên, hiện trạng xã hội của khu vực và định hướng phát triển để đề xuất các giải pháp quy hoạch phù hợp với từng đô thị. Trong đó yếu tố kết hợp hài hoà giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng.
Diện mạo kiến trúc đô thị của Hà Giang đã có sự thay đổi tích cực |
Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Đô thị Hà Giang đang đổi thay từng ngày, điều này càng khẳng định rõ mục tiêu xây dựng thành phố Hà Giang cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2025. Đây vừa là yêu cầu tất yếu mang tính khách quan, vừa phù hợp với chương trình nâng cấp đô thị của Chính phủ và sự phát triển chung của thành phố Hà Giang trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: Báo xây dựng