Phát hiện mới về các thành phố và ‘siêu cao tốc’ của người Maya cổ đại
Những công trình của của người Maya cổ đại vừa được tìm thấy đã “ẩn mình” hàng thiên niên kỷ do mật độ rừng dày đặc ở phía Bắc Guatemala và miền Nam Mexico.
Hình ảnh được tái tạo lại về các thành phố và ‘siêu cao tốc’ của người Maya cổ đại. (Nguồn: Reuters) |
Một nghiên cứu mới sử dụng công nghệ cao LiDAR đã phát hiện gần 1.000 khu định cư của người Maya cổ đại, trong đó có 417 thành phố chưa từng được biết đến trước đây có kết nối với hệ thống nhiều khả năng là đường cao tốc đầu tiên trên thế giới.
Những công trình này đã “ẩn mình” hàng thiên niên kỷ do mật độ rừng dày đặc ở phía Bắc Guatemala và miền Nam Mexico.
LiDAR là công nghệ viễn thám sử dụng tia lazer. Các nhà nghiên cứu đã chiếu tia vào các vùng rừng rậm, phân tích bóc tách thảm thực vật và lập bản đồ các cấu trúc cổ xưa bị những tán cây rừng che phủ.
Phụ trách giám sát nghiên cứu sử dụng LiDAR, nhóm nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu nhân chủng học FARES tại Guatemala cho biết trong số các chi tiết trong phát hiện mới nhất có hệ thống “đường cao tốc hoặc siêu cao tốc” bằng đá lớn lần đầu tiên trong thế giới cổ đại, với chiều dài khoảng 110km, rộng 40m và nền đường được tôn cao 5m so với mặt đất.
Đây là một hợp phần trong dự án nghiên cứu lưu vực đá vôi Mirador-Calakmul, kéo dài từ rừng Peten ở miền Bắc Guatemala cho đến bang Campeche, miền Nam Mexico.
Thông qua nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học cũng đã phát hiện được các kim tự tháp, sân bóng với hệ thống cấp nước quan trọng gồm có hồ chứa, đập và kênh mương tưới tiêu.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh các thông tin trên là phát hiện mới nhất về các trung tâm và cơ sở hạ tầng liên quan của người Maya có từ cách đây khoảng 3.000 năm.
Tất cả các kiến trúc này được xây dựng trong nhiều thế kỷ trước khi các bang lớn nhất của người Maya – mỗi bang tương ứng với một thành phố – xuất hiện, khai mở những thành tựu lớn của nhân loại trong lĩnh vực toán học và chữ viết. Những phát hiện này được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí Ancient Mesoamerica trong tháng 12 vừa qua.
Trưởng nhóm nghiên cứu Richard Hansen nhấn mạnh phát hiện trên cho thấy sự phát triển về mặt kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn khu vực này trong giai đoạn từ giữa cho đến cuối thời Maya tiền cổ điển, khoảng năm 1.000 đến năm 350 trước Công nguyên, với nhiều khu định cư được cho là nằm trong vùng quản lý của một đô thị lớn, ngày nay có tên là El Mirador.
Giai đoạn đó kéo dài hơn 5 thế kỷ trước thời kỳ đỉnh cao cổ điển của nền văn minh Maya, khi hàng chục trung tâm đô thị lớn phát triển mạnh trên khắp vùng là Mexico và khu vực Trung Mỹ ngày nay./.
Nguồn: Báo xây dựng