Phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu tại Thuỵ Điển
Phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu tại Thuỵ Điển
Theo dõi MTĐT trên
Ngày 12/1, công ty khai khoáng LKAB của Thụy Điển thông báo đã phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu tại thành phố Kiruna ở vùng cực Bắc nước này.
Thông báo của LKAB nêu rõ mỏ đất hiếm nói trên nằm cạnh một mỏ quặng sắt và có trữ lượng hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác định được trữ lượng chính xác.
Phát biểu họp báo, Giám đốc điều hành (CEO) LKAB Jan Mostrom nhấn mạnh mỏ đất hiếm mới được phát hiện này có thể trở thành nguồn tài nguyên quan trọng cho việc sản xuất các nguyên liệu thô thiết yếu, từ đó thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh.
Ông Mostrom cho biết thêm rằng có thể mất khoảng vài năm để tìm hiểu rõ về mỏ đất hiếm này, cũng như nghiên cứu các điều kiện cần để khai mỏ một cách bền vững.
Trả lời câu hỏi về thời điểm có thể bắt đầu khai mỏ, ông Mostrom nhấn mạnh điều này phụ thuộc phần lớn vào thời điểm được cấp giấy phép khai thác, song dựa trên kinh nghiệm, ông ước tính vào khoảng 10 – 15 năm nữa.
LKAB công bố phát hiện trên khi phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) tới thăm Thụy Điển, quốc gia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) từ đầu năm nay.
Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển Ebba Busch nhấn mạnh rằng nhu cầu đối với khoáng sản là rất lớn trong bối cảnh EU đang chuyển đổi sang sản xuất không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, gần đây, liên minh này đã nhất trí loại bỏ dần các phương tiện phát thải CO2 từ nay đến năm 2035.
Khoáng sản đất hiếm có vai trò quan trọng trong nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao và là nguyên liệu trong chế tạo xe điện, quạt gió, các thiết bị điện tử hay âm thanh.
Trái ngược với tên gọi của chúng, đất hiếm được tìm thấy khá nhiều trên Trái Đất, thường bị trộn lẫn với các khoáng chất khác. Theo các nhà khoáng vật học, chúng rất hiếm theo nghĩa là chúng rải khắp hành tinh với mật độ tương đối thấp.
Người ta cho rằng có nhiều mỏ đất hiếm chưa được phát hiện trên lãnh thổ của một số quốc gia ở châu Âu, đặc biệt là ở các quốc gia Bắc Âu. Một rào cản đối với việc khai thác khoản sản này tại châu Âu là chi phí tương đối cao, như do điều kiện thổ nhưỡng và phí nhân công cao. Hiện tại, trong EU chỉ có một cơ sở phân tách đất hiếm duy nhất ở Estonia.
Theo Eurare, Thụy Điển được gọi là “ngôi nhà của nguyên tố đất hiếm”, do các mỏ đất hiếm đầu tiên đều được phát hiện tại nước này.
Phát hiện gần mũi cực bắc của Thụy Điển có thể làm tăng hy vọng cho Liên minh châu Âu (EU) trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vào loại tài nguyên quan trọng trong công nghệ này. Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm, sản xuất hơn 80% sản lượng toàn cầu và cung cấp cho châu Âu khoảng 95% nguồn cung.
Theo báo cáo của Visual Capitalist vào năm 2020, Trung Quốc hiện là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất (140.000 tấn) cùng trữ lượng lớn nhất (44 triệu tấn). Các nước có trữ lượng lớn xếp sau là Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (12 triệu tấn).
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị