Phát hiện kiến trúc cổ, niên đại thế kỷ 4-5 sau Công Nguyên?

Theo quan điểm của TS.Phạm Quốc Quân, bước đầu nhận định, một số viên gạch thu thập được tại hiện trường đình Hạ (Chương Mỹ, Hà Nội) có niên đại thế kỷ 4-5 sau Công Nguyên.

Ngày 29/12, Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 5338/SVHTT-DSVH gửi UBND huyện Chương Mỹ về việc khảo sát hiện trường công trình thi công, tu bổ tôn tạo di tích đình thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.

Văn bản nêu rõ, Sở Văn hoá và Thể thao nhận được báo cáo ngày 25/12/2024 của UBND huyện Chương Mỹ về nội dung tài khoản Facebook Nguyễn Phong phản ánh liên quan đến dự án tu bổ, tôn tạo đình Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Trong đó đề nghị: Sở Văn hoá và Thể thao mời các chuyên gia đánh giá, cho ý kiến về việc phát hiện một số viên gạch có hoa văn, được phát lộ trong quá trình đào hố chân cột dựng nhà bao che tại hạng mục Hậu cung của dự án tu bổ tôn tạo di tích đình Hạ, xã Hồng Phong để tránh dư luận không đúng.

Phát hiện kiến trúc cổ, niên đại thế kỷ 4-5 sau Công Nguyên?
Gạch đất nung, viên còn nguyên kích thước 14x17x5cm được trang trí hoa văn ô trám lồng ở một cạnh (ảnh: Đoàn khảo sát cung cấp).

Ngày 27/12/2023, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã giao các phòng chức năng chức khảo sát thực tế tại hiện trường công trình thuộc dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hạ. Tham dự buổi khảo sát còn có TS.Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.

Tại thời điểm khảo sát, đoàn công tác nhận thấy: vị trí sát chân móng (bên ngoài) hạng mục Hậu cung của di tích đình Hạ, ở độ sâu 60-70cm so với mặt bằng hiện trạng, phát lộ dấu tích kiến trúc cổ đã có sự xáo trộn trong quá trình tồn tại đến nay; tại hiện trường, phát hiện một số viên gạch đất nung (còn nguyên và bị vỡ), viên còn nguyên kích thước 14x17x5cm được trang trí hoa văn ô trám lồng ở một cạnh.

Theo quan điểm của TS.Phạm Quốc Quân, bước đầu nhận định, một số viên gạch thu thập được tại hiện trường có niên đại thế kỷ 4-5 sau Công Nguyên; phần dấu tích kiến trúc nêu trên chưa đủ dữ liệu và cơ sở để cung cấp thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Phát hiện kiến trúc cổ, niên đại thế kỷ 4-5 sau Công Nguyên?
Hiện trường phát hiện gạch cổ phía sau đình Hạ (ảnh: FB Nguyễn Phong).

Trên cơ sở tham vấn ý kiến chuyên môn của TS.Phạm Quốc Quân, ý kiến thống nhất của các bên tham gia khảo sát, Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội đề nghị UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA đầu tư xây dựng) và các phòng chức năng UBND xã Hồng Phong: Giữ nguyên hiện trạng, san lấp phần chân móng tại vị trí tiếp giáp để bảo tồn nguyên trạng tại chỗ dấu tích kiến trúc cổ đã phát lộ.

Trong quá trình triển khai dự án, không thực hiện các hoạt động thi công có khả năng gây ảnh hưởng tới dấu tích kiến trúc cổ hiện tồn tại, có biện pháp bảo vệ công trình, công trường thi công.

Bảo quản, bảo vệ các viên gạch đã phát lộ được thu nhặt lại để mang trưng bày phục vụ công tác nghiên cứu và phát huy giá trị di tích.

Tiếp tục triển khai công việc tiếp theo của dự án tu bổ tôn tạo di tích đình Hạ, xã Hồng Phong, đảm bảo tiến độ đúng quy định.

Tuyên truyền để nhân dân địa phương hiểu rõ nội dung, giá trị di tích đình Hạ và lịch sử địa phương, tránh dư luận thiếu chính xác, ảnh hưởng tới công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Hạ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích