Phát hiện cơ sở có hành vi sản xuất bít tất giả mạo thương hiệu số lượng ‘khủng’
Theo thông tin từ Cục QLTT thành phố Hà Nội, mới đây, Đội QLTT số 9 phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế – Công an huyện Đông Anh phát hiện một xưởng có hành vi sản xuất bít tất giả thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Thời điểm lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra xưởng may nằm sâu trong thôn Đại Vĩ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, hơn 10 chiếc máy trong dây chuyền dệt bít tất của cơ sở này vẫn đang chạy hết công suất. Quy trình sản xuất được tự động hóa hoàn toàn nên chỉ trong vài phút các sản phẩm bít tất đã được dệt thành phẩm.
Dù chưa xuất trình được hợp đồng gia công hay bất cứ giấy tờ liên kết hợp pháp với thương hiệu lớn này nhưng bước đầu lực lượng chức năng ghi nhận vô số sản phẩm bít tất giả mạo nhiều nhãn hiệu đã được bảo hộ vẫn ra lò tại đây như Nike, Adidas, Mizuno, Uniqlo…
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở vắng mặt. Theo ước tính, số lượng tất giả mạo nhãn hiệu thành phẩm lên đến hàng chục nghìn đôi. Khối lượng lớn tem mác in sẵn logo các nhãn hiệu lớn để phục vụ công việc sản xuất hàng giả cũng bị thu giữ.
Theo lãnh đạo Đội QLTT số 9, Cục QLTT thành phố Hà Nội, rất khó để lực lượng chức năng phát hiện và kiểm tra cơ sở bởi đối tượng thuê ở nơi nằm sâu trong ngõ nhỏ, đan xen giữa các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Để hạn chế quan sát của người dân xung quanh, bên ngoài được quây tôn kín mít, đóng cửa cả ngày lẫn đêm, ngoại trừ những thời điểm xuất hàng đi tiêu thụ.
Qua vụ việc vi phạm vừa phát hiện cho thấy, hành vi sản xuất, gia công mặt hàng giả mạo thương hiệu lớn vẫn đang tiếp diễn với nhiều hình thức tinh vi, không từ bất cứ mặt hàng nào. Đội QLTT số 9, Cục QLTT thành phố Hà Nội đang tiến hành tạm giữ hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ các hành vi vi phạm.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389), thời gian qua, tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không có hoá đơn chứng từ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra, phổ biến ở các mặt hàng như quần áo, đồ thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ tùng ô tô…; tình hình vận chuyển, buôn bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra phức tạp. Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại.
Với quyết tâm ngăn chặn hoạt động buôn lậu và những giải pháp mạnh mẽ, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 09/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì…; các điểm trung chuyển hàng hóa như: Ninh Hiệp, ga Yên Viên, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa, tuyến đường có địa bàn giáp ranh các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình…
Việc kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề (ví dụ nhu cầu rượu, bia, đồ uống, bánh kẹo dịp Tết tăng cao thì buôn lậu, hàng giả nhóm sản phẩm này cũng tăng theo), xác định địa bàn “nóng” như đầu mối giao thông, tuyến quốc lộ, chợ đầu mối, kho tập kết hàng hóa, tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng có nhu cầu lớn dịp cuối năm… Đồng thời, các lực lượng chuyên trách sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, điều tra, trong đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm.
An Dương