Phát động đợt thi đua hoàn thành dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
(Xây dựng) – Chiều 15/10, tại Km 28+100 xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn), UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức phát động Đợt thi đua hoàn thành dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) hưởng ứng phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”.
Lãnh đạo các địa phương ký cam kết thi đua. |
Đợt thi đua nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân, các nhà thầu, đơn vị thi công, phấn đấu thi đua hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, đưa vào khai thác dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1). Dự án được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài tuyến 77km, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 69,7km, nền đường rộng 12m; thiết kế 7 nút giao liên thông và 3 nút giao bằng; xây dựng 96 hầm chui, 24 cầu.
Thực hiện giải phóng mặt bằng 25,25m. Tiến độ thi công 24 tháng, hoàn thành dự án trong năm 2025. Đến nay, mặt bằng thi công đã bàn giao được 57/69,7km, đạt 82%; đang triển khai thi công xây dựng 24/24 khu tái định cư; thi công đồng loạt 6 gói thầu xây lắp phần đường và 17/24 cầu trên tuyến, với 80 mũi thi công, gần 500 máy móc, thiết bị, tổng giá trị thực hiện lũy kế đạt hơn 628 tỷ đồng, tương ứng khoảng 12,6% giá trị hợp đồng.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã phát động thi đua hoàn thành dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”. Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang ghi nhận những kết quả thi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đã đạt được của các nhà thầu trong thời gian qua, đồng thời cũng yêu cầu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện quyết liệt, tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 thông tuyến, đưa vào khai thác dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu thông tuyến và đưa vào khai thác trước ngày 31/12/2025 đoạn đi qua tỉnh. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức vận động nhân dân với tinh thần khẩn trương, tập trung nhân lực, vật lực, tổ chức thi công hợp lý liên tục “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão”, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối công trường xây dựng, áp dụng tiến bộ khoa học, cải tiến kỹ thuật để thi công hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang theo kế hoạch đã được phê duyệt, đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các đơn vị liên quan; công khai, minh bạch thông tin để các cấp có thẩm quyền và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện thi công công trình; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thực hiện dự án.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành tốt việc di dời, giải phóng mặt bằng để thi công dự án; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu tái định cư, bảo đảm người dân phải di dời có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ… Đồng thời các ngành, các cấp, chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công và kịp thời gỡ khó ngay nếu có phát sinh.
Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết giữa Tuyên Quang – Hà Giang mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối nội vùng và liên vùng, hình thành hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng tới các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng