Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”

Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”

Tối 8/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”

tm-img-alt
Các đại biểu làm lễ chào cờ

Đến dự buổi lễ có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.

tm-img-alt
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội nhấn nút phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuộc thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” là một trong những điểm nhấn nổi bật nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam, diễn ra từ ngày 9 đến 29-11, tương ứng với 3 tuần thi. Tuần thứ nhất, từ ngày 9 đến 15-11; tuần thứ hai, từ ngày 16 đến 22-11 và tuần thứ ba, từ ngày 23 đến 29-11.

Cuộc thi hướng đến các nhóm đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; chiến sĩ các lực lượng vũ trang; đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị – xã hội; các tầng lớp nhân dân; công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Qua đó, góp phần triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng toàn diện, đổi mới, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn.

Mỗi tuần thi có một bộ câu hỏi (gồm 10 câu), trong đó, có 9 câu trắc nghiệm liên quan đến nội dung thi được lựa chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi của Ban tổ chức và một câu dự đoán số lượng người trả lời chính xác tất cả các câu trắc nghiệm.

Bài dự thi chỉ được coi là hợp lệ khi người dự thi trả lời đủ 10 câu hỏi. Người dự thi được tham gia tối đa 3 lần/tuần. Ban tổ chức cuộc thi sẽ lấy kết quả thi cao nhất trong các lần thi của thí sinh để tính điểm xét giải.

Sẽ có 16 giải thưởng được trao mỗi tuần, gồm: 1 giải Nhất (5 triệu đồng/giải), 2 giải Nhì (2 triệu đồng/giải), 3 giải Ba (1 triệu đồng/giải), 10 giải Khuyến khích (500.000 đồng/giải).

Kết quả các cá nhân đạt giải và đáp án các câu hỏi trắc nghiệm sẽ được công bố trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên và Cổng thông tin Điện tử Bộ Tư pháp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích