Phát động chiến dịch tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến

Phát động chiến dịch tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến

Từ ngày 23/6 đến ngày 23/7, Bộ Thông tin – Truyền Thông ( TT-TT) chính thức phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có Công văn gửi các cơ quan báo chí về việc triển khai nhiệm vụ tuyên truyền tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg và tham gia Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”.

Chiến dịch này hướng tới nâng cao nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến của mọi người, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó các thích thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025″, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao tại Khoản 4, Mục 5, Điều 1 Quyết định số 1907/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ để triển khai một số nội dung.

Cụ thể, nội dung chủ động triển khai gồm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện Nhiệm vụ 2 và Nhiệm vụ 5 của Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; chủ động bố trí chuyên mục, kênh phát sóng, thời gian phát sóng chương trình an toàn thông tin thích hợp để thu hút được sự quan tâm theo dõi của nhiều đối tượng cần tuyên truyền; thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên các trang mạng xã hội do cơ quan, đơn vị sở hữu, quản lý.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/chinhphu.vn. 

Nội dung tham gia triển khai gồm tham gia Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện phòng chống lừa đảo trực tuyến”. Đối tượng tuyên truyền là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo,…

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số một cách bền vững.

Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, đơn vị cử đầu mối phối hợp tham gia triển khai Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” và gửi thông tin đầu mối (Họ và tên chức vụ, số điện thoại, thư điện tử) về Cục An toàn thông tin, tầng 8 Tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện, số 115 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội trước ngày 23/6/2023; báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thông tin trước ngày 23/7, để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích