Pháp: Ứng phó với khô hạn nhờ phương pháp tạo nước từ sương mù

Pháp: Ứng phó với khô hạn nhờ phương pháp tạo nước từ sương mù

Pháp đang khuyến khích việc sử dụng kỹ thuật hứng sương mù để tạo nước trong bối cảnh khô hạn ngày càng trầm trọng.

Trong vài năm gần đây, châu Âu cũng đã chứng kiến những sáng kiến như vậy phát triển mạnh mẽ ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ủy ban châu Âu (EC) thậm chí đã dành một chương trình cho kỹ thuật này từ năm 2020.

Lợi ích của phương pháp tạo nước từ sương là không dùng máy móc, mà chỉ là những giàn hứng sương đơn giản. Đây là một kỹ thuật có chi phí thấp, không tiêu thụ năng lượng và không có rủi ro hỏng hóc.

Công cụ cơ bản được sử dụng để thu thập sương mù là rất đơn giản. Đó là các tấm lưới di động được làm từ nhựa (polypropylene) hoặc từ thép, được gắn trên các cọc thép không gỉ có chiều cao từ 2 đến 4 mét.

tm-img-alt
Sương mù ở Paris. Ảnh minh hoạ – Nguồn: Euractiv

Được đặt mặt hướng về phía gió mang theo mây và sương mù, những tấm lưới này sẽ thu giữ các hạt nước lơ lửng trong không khí – thành phần chính tạo nên sương mù. Những hạt nước này sẽ dần tích tụ trong lưới và cuối cùng hình thành một dòng nước, có thể được vận chuyển hoặc lưu trữ.

Nhà nghiên cứu Franck Galland của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (Pháp), cho biết: “Các mắt lưới polypropylen của những tấm lưới này giữ lại được trung bình 30% lượng nước từ sương mù. Nước tích tụ lại từ sương sau đó có thể được sử dụng để tưới vườn ươm hoặc đất nông nghiệp hoặc để cung cấp nước uống cho các ngôi làng hẻo lánh”.

Những tấm lưới hứng sương mù có thể tạo ra lượng nước đáng kể – khoảng từ 20 đến 40 lít trên mỗi mét vuông lưới mỗi ngày – và chi phí thấp (từ 70 đến 180 euro cho một bộ thu thập nhỏ được thiết kế để sử dụng với tuổi thọ 10 năm). Tuy nhiên, vấn đề là khó có thể phát triển mô hình này ở quy mô lớn.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích