Pháp luật quy định thế nào về việc dùng tài khoản cá nhân quyên tiền từ thiện?

Pháp luật quy định thế nào về việc dùng tài khoản cá nhân quyên tiền từ thiện?

MTĐT –  Thứ năm, 09/09/2021 11:31 (GMT+7)

Khi một cá nhân sử dụng tài khoản mình mở tại ngân hàng để huy động tiền từ thiện, thì tài khoản đó dưới góc độ pháp lý vẫn chỉ là một tài khoản tiền gửi cá nhân thông thường.

Thời gian gần đây trong dư luận đã phát sinh những tranh cãi xung quanh việc các nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện và làn sóng yêu cầu các nghệ sĩ kêu gọi được số tiền lớn phải sao kê bùng nổ.

Hiện Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cũng đang dự thảo bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Quy định này nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng trong thời điểm hiện nay.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, theo ông Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an. Khi đó các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định.

Ông Xô khẳng định khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ông Xô lưu ý đến thời điểm này các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo nào về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ từ thiện và công an các địa phương cũng chưa có báo cáo tập hợp về nội dung này.

“Song công an các cấp vẫn chủ động nắm bắt dư luận về những sự việc, hiện tượng này và nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những sự việc gây bất ổn xã hội, lực lượng chức năng sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ. Về nguyên tắc, thông tin dư luận cũng là một nguồn tin tố giác tội phạm”, ông Xô nhấn mạnh.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay đa số cá nhân hoạt động từ thiện tự túc, tự huy động không điều chỉnh theo quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14.6.2008.

Theo ông Hùng, Nghị định 64/2008 chỉ điều chỉnh các đối tượng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Theo luật sư Hùng, các cá nhân hiện nay hoạt động từ thiện, quyên góp để làm từ thiện phân bổ hàng cứu trợ chưa có pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể. Việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp làm từ thiện thì về pháp lý cũng chỉ là tài khoản cá nhân mà thôi chứ không phải tài khoản làm từ thiện hay quỹ từ thiện.

“Tôi cho rằng việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp, kêu gọi ủng hộ việc từ thiện là chưa tuân thủ quy định tại Nghị 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này có quy định về thủ tục thành lập quỹ từ thiện. Do vậy nhiều nghệ sĩ dùng tài khoản cá nhân để quyên góp từ thiện là chưa đúng pháp luật”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, mặc việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp từ thiện là chưa đúng pháp luật, tuy nhiên do pháp luật chưa ban hành quy định cụ thể để điều chỉnh và do Việt Nam hoạt động từ thiện mới xuất hiện gần đây, Việt Nam lại nhiều thiên tai, lũ lụt nên trong tình thế cấp thiết nhiều cá nhân đã tự kêu gọi từ thiện qua tài khoản cá nhân. Đây là một vấn đề mà pháp luật cần có quy định cụ thể để điều chỉnh.

tm-img-alt
Người kêu gọi quyên góp, vận động dù dưới hình thức nào cũng phải minh bạch tài khoản, phải báo cáo kết quả tổng kết sau khi kết thúc hoạt động từ thiện về thời gian cụ thể. Ảnh minh họa

Luật sư Hùng cũng nêu, vừa qua Bộ VH-TT-DL đã đưa ra dự thảo Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, trong đó dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Tuy nhiên, bộ quy tắc trên chỉ mang tính định hướng, có yêu cầu nghệ sĩ làm từ thiện phải minh bạch, công khai nhưng chế tài cụ thể thì chưa quy định. Bộ quy tắc trên cũng chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật nên cũng chưa thật sự có tính áp dụng và chế tài khi có sự tranh chấp.

Luật sư Hùng cũng chia sẻ rằng, dù hoạt động quyên góp dưới bất kỳ hình thức nào thì trong mọi trường hợp nên công khai hoạt động từ thiện, công khai, minh bạch thu-chi cụ thể tới những người đã quyên góp và cộng đồng nhận tiền từ thiện.

“Nghệ sĩ hay cá nhân được nhiều người tin tưởng thì càng phải minh bạch, tránh lợi dụng để trục lợi. Đồng thời khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hay cá nhân quyên góp yêu cầu thì cũng phải sao kê, minh bạch thu-chi. Thực tế bên làm từ thiện đã có thỏa thuận bằng miệng hoặc văn bản là nhờ chuyển số tiền, tài sản đến vùng thiên tai, người nghèo đói, hoạn nạn… chứ không phải họ cho nghệ sĩ, hay cho người vận động quyên góp số tiền hay tài sản đó. Nghệ sĩ chỉ là trung gian, người vận động, vận chuyển hàng hóa, tiền, tài sản đến vùng thiên tai…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo luật sư Hùng, trường hợp người nhận quyên góp trục lợi hay sử dụng tiền sai mục đích thì người quyên góp, người làm từ thiện, người nhờ chuyển tiền có quyền yêu cầu trả lại hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu không trả hoặc không có khả năng chi trả vì đã sử dụng tiền sai mục đích thì có thể bị xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

“Tôi cho rằng người kêu gọi quyên góp, vận động dù dưới hình thức nào cũng phải minh bạch tài khoản, phải báo cáo kết quả tổng kết sau khi kết thúc hoạt động từ thiện về thời gian cụ thể. Việc đợi khi dư luận lên tiếng mới công khai thì tôi cho rằng chưa tuân thủ hết các quy định cũng như chưa làm hết trách nhiệm”, ông Hùng nhấn mạnh.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích