Pháo hoa gây ảnh hưởng lâu dài tới các loài chim hoang dã

Pháo hoa gây ảnh hưởng lâu dài tới các loài chim hoang dã

MTĐT –  Thứ sáu, 09/12/2022 15:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một nghiên cứu được tiến hành trong tám năm cho thấy pháo hoa gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đến các loài chim hoang dã và có thể làm giảm cơ hội sống sót của chúng trong mùa đông.

Hằng năm, khắp nơi trên thế giới đều bắn pháo hoa để chào mừng năm mới. Với chúng ta, cảnh tượng ánh sáng, màu sắc, âm thanh này thật ngoạn mục, nhưng với các loài động vật thì nó không hề thú vị như thế. Những ai nuôi thú cưng hẳn đều biết bọn chúng rất sợ hãi và mất phương hướng trước tiếng nổ lớn, ánh sáng chói và khói mù kết hợp lại.

Pháo hoa làm ảnh hưởng tới các loài chim
Pháo hoa làm ảnh hưởng tới các loài chim

Ở các nước Tây Âu, tình trạng náo động trong đêm Giao thừa càng trở nên trầm trọng hơn do người dân được phép chơi pháo trong một số giờ nhất định trước và sau nửa đêm. Những hoạt động này làm tăng đáng kể tình trạng náo động so với vài màn bắn pháo hoa tập trung ở những địa điểm công cộng.

Trong thập kỷ qua, các nhà khoa học châu Âu bắt đầu phát hiện những tác động tiêu cực của pháo hoa đối với các loài chim hoang dã. Một nghiên cứu từ năm 2011 sử dụng radar thời tiết cho thấy hàng ngàn con chim ở Hà Lan bay thẳng lên trời khi pháo hoa bắt đầu được bắn vào đêm Giao thừa. Nhưng nghiên cứu này vẫn chưa tạo ra một bức tranh rõ ràng về việc liệu pháo hoa có thay đổi các hành vi quan trọng, chẳng hạn như ăn và ngủ, và liệu các loài chim có thể hồi phục sau cơn náo động tức thời.

Theo dõi đàn ngỗng bằng thiết bị định vị GPS

Sử dụng thiết bị theo dõi GPS, một nhóm nhà khoa học tại Viện Hành vi Động vật Max Planck (Đức) và Viện Sinh thái Hà Lan đã lần đầu tiên định lượng được những tác động của pháo hoa Năm mới trên diện rộng đối với hành vi của từng conchim. Họ đã thu thập định vị GPS của 347 cá thể trong mười hai ngày trước và sau đêm Giao thừa trong tám năm liên tiếp, mỗi cá thể được theo dõi trung bình khoảng hai năm.

Bốn loài chim được nghiên cứu gồm ngỗng ngực trắng, ngỗng trời branta, ngỗng chân hồng, ngỗng đậu. Đây đều là những loài di trú Bắc Cực, dành cả mùa đông để nghỉ ngơi và kiếm ăn ở miền Bắc nước Đức, Đan Mạch và Hà Lan.

Ngỗng di trú Bắc Cực trải qua mùa đông ở châu Âu để kiếm ăn và nghỉ ngơi trong những tháng lạnh giá.
Ngỗng di trú Bắc Cực trải qua mùa đông ở châu Âu để kiếm ăn và nghỉ ngơi trong những tháng lạnh giá.

Thông thường, ngỗng sẽ quay lại cùng một vùng nước trong nhiều đêm, nghỉ ngơi trên mặt nước và di chuyển rất ít, nhờ thế mà tiết kiệm được năng lượng. Nhưng trong đêm Giao thừa, khi pháo hoa được bắn lên trời, ngỗng rời khỏi chỗ ngủ thường xuyên hơn, bay xa hơn trung bình 5 tới 16km và cao hơn 40 đến 150m so với các đêm trước.

“Thật kinh ngạc khi thấy đàn chim bay xa hơn trong đêm có pháo hoa so với các đêm khác”, Andrea Kölzsch, nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Hành vi Động vật Max Planck và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. “Một số cá thể bay hàng trăm km chỉ trong một đêm, vượt qua những khoảng cách mà thường chúng chỉ bay trong quá trình di trú.”

Trốn thoát bụi mịn

Song song, nhóm nghiên cứu còn phát hiện bụi mịn trong không khí gần chỗ ngủ của ngỗng tăng lên tới 650% trong đêm Giao thừa ở tất cả các địa điểm được nghiên cứu. “Chúng tôi phát hiện thấy ngỗng rời chỗ ngủ và lựa chọn các địa điểm xa con người hơn và có nồng độ bụi mịn thấp hơn, điều này chắc chắn cho thấy chúng đang cố gắng trốn pháo hoa”, Kölzsch nói.

Ngoài phản ứng lập tức với pháo hoa, ngỗng còn tìm kiếm thức ăn nhiều hơn 10% và di chuyển ít hơn trong 12 ngày sau đêm Giao thừa. “Nhiều khả năng chúng phải bù đắp năng lượng đã tiêu hao trong đêm pháo hoa”, Bart Nolet, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sinh thái học Hà Lan và là tác giả cuối của nghiên cứu, cho biết.

Trong năm cuối cùng của nghiên cứu, nhóm đã có một cơ hội độc nhất vô nhị để đối chứng ảnh hưởng của pháo hoa. Tình trạng phong tỏa do đại dịch vào năm 2020/2021 đã dẫn tới lệnh cấm pháo hoa trên diện rộng và giảm đáng kể mức độ náo động. Mặc dù vậy, hành vi rời chỗ ngủ thường xuyên hơn, bay cao hơn và xa hơnvẫn xuất hiện vào đêm Giao thừa ở hai trong bốn loài ngỗng.

“Điều này cho thấy chỉ một lượng nhỏ pháo hoa cũng thay đổi hành vi của ngỗng theo hướng có thể làm giảm cơ hội sống sót của chúng, ít nhất trong mùa đông khắc nghiệt,” Nolet nói. “Để cung cấp một không gian an toàn cho những loài chim này, chúng ta nên cấm bắn pháo hoa tại các khu vực gần công viên quốc gia, khu bảo tồn chim và những địa điểm nghỉ ngơi quan trọng khác của chim.”

Nguồn: https://phys.org/news/2022-11-fireworks-long-lasting-effects-wild-birds.html

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích