Phân trách nhiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Phân trách nhiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT và các địa phương. Đến nay, việc hướng dẫn thực hiện đã khá rõ ràng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt (khoản 2 Điều 76); quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường (khoản 5 Điều 79); hướng dẫn đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (khoản 4 Điều 80).

Triển khai hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP , Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định: Nội dung về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.

tm-img-alt
Địa phương tổ chức tập huấn về phân loại rác cho người dân

Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Về phía các địa phương, Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khoản 2 Điều 75); bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khoản 2 Điều 76); lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (Khoản 1 Điều 77); lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Khoản 2 Điều 78); quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn (Khoản 6 Điều 78); quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại (khoản 6 Điều 79).

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích