Phân loại rác – Làm thì nhiều nhưng thu về chẳng là bao

Phân loại rác – Làm thì nhiều nhưng thu về chẳng là bao

Lam Vy –  Thứ năm, 21/10/2021 19:39 (GMT+7)

Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình, chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng kết quả thu về chẳng là bao.

98% tổng lượng chất thải rắn thu gom ở Hà Nội được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. 2% tổng lượng rác thu gom được đốt không phát điện. Điều đó cho thấy rác ở Hà Nội chưa được phân loại, chủ yếu bị chôn lấp. Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình, chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng kết quả thu về chẳng là bao.

Công nghệ xử lý chôn lấp lạc hậu- gây ô nhiễm môi trường nặng nề

Hà Nội đang phải đối mặt với những vấn đề về môi trường rất lớn, theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Trong đó, về thành phần rác thực phẩm chiếm 51,9%; chất trơ (cao su, da, gỗ…) chiếm 38% và lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm dưới 7,1%… Việc xử lý chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 98% tổng lượng chất thải rắn thu gom); ngoài ra xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện (chiếm khoảng 2%).

Hiện nay, lượng rác thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại tăng lên rất nhanh. Điều đáng lo ở đây là các thành phần của loại rác thải này lại ảnh hưởng nhiều đến môi trường và nguy hiểm đến đời sống con người ví dụ như các loại rác thải từ các khu công nghiệp hóa chất, cao su, chế biến thực phẩm, da, vật liệu xây dựng…hay rác thải y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước rỉ rác ngấm vào mạch nước ngầm, hoặc theo côn trùng xâm nhập vào thực phẩm, muỗi đốt từ người này sang người khác làm lây lan bệnh dịch. Đặc biệt rác thải y tế là loại rác thải rất nguy hiểm, nếu không được phân loại xử lý tốt sẽ là nguyên nhân gây mầm bệnh.

tm-img-alt
Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần 70% lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố. (Ảnh:Internet)

Nhìn tổng thể, cái khó trong bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của Hà Nội là thành phố chỉ có hai Khu xử lý chất thải xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý lại chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.

Việc rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh bãi rác.

Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần 70% lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố, dẫn tới hệ lụy hễ dân chặn xe, rác nội đô sẽ ùn ứ.

Những ngày cuối năm 2020, người dân một số quận của Hà Nội đã phải chịu một bầu không khí ô nhiễm do rác thải tồn đọng ở nhiều tuyến đường. Rác thải sinh hoạt không được mang đi xử lý kịp thời, tạo cảnh tượng hãi hùng, nhếch nhác cho bộ mặt đô thị. Từ cửa ngõ phía Tây, quận Nam Từ Liêm sang Tây Hồ đều ùn ứ rác. Rác được chất đống cao hàng mét trên xe gom xếp tụ vạ ở nhiều góc phố bốc mùi tanh hôi. Nguyên nhân là do người dân chặn lối vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn) để phản đối mùi ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ. Đáng nói đây không phải lần đầu tiên Hà Nội ở vào tình cảnh này.

Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh các khu xử lý, cộng thêm việc phụ thuộc vào chỉ hai khu xử lý chất thải đã bị quá tải, khiến “số phận” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh. Chỉ một đường vào khu xử lý rác thải bị chặn, nội đô Hà Nội sẽ lại xuất hiện những bãi rác tự phát chất đống, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng triệu người dân cũng như mỹ quan đô thị.

Thực tế, Thành phố hiện thiếu cơ sở hạ tầng dành cho việc duy trì vệ sinh môi trường như trạm trung chuyển, điểm cẩu rác, trong đó đến nay mới có 3 trạm trung chuyển, chuyển tải chất thải rắn sinh hoạt cỡ vừa và nhỏ… Bên cạnh đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện đồng đều, gây gánh nặng cho thu gom, vận chuyển và xử lý…

Trong khi đó, theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014), Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới có 2 khu xử lý (Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn – huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn – thị xã Sơn Tây) hoạt động. Khó khăn hơn nữa là cả 2 khu xử lý trên đều đang ở tình trạng không còn khả năng chôn lấp trong 1-2 năm tới…

Trước tình trạng quá tải về rác thải trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp và nhằm giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2017, TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang trong quá trình xây dựng, chưa biết đến bao giờ đi vào hoạt động. Các dự án còn lại đều chưa được khởi công.

Khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, nhất là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60 đến 80%, tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao. Phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Các chương trình phân loại rác tại các quận, huyện mới mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.

Theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải. Với tỉ lệ thu gom đạt 100% thì đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô là khoảng 8.500 tấn/ngày. Với lượng rác lớn và ngày càng tăng như vậy, Hà Nội đã xác định phải đi bằng “hai chân” trong việc thu gom và xử lý rác thải. Đó là vừa kêu gọi xã hội hóa xây dựng các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại vừa tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, từ việc nhỏ bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định đến việc  phân loại rác tại nguồn.

Mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội đã được triển khai thí điểm từ năm 2007 trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Khái niệm mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục tiểu học năm học 2007 – 2008 sau đó được nhân rộng mô hình sang các khu vực phường Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ. Mặc dù vậy, kết quả của việc phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội không được duy trì. Việc thu gom rác chủ yếu vẫn là thu hỗn hợp chứ không được phân loại ngay tại nguồn. Việc thu hồi các chất có khả năng tái chế, tái sử dụng như: ni-lon, giấy vụn, kim loại, nhựa, thuỷ tinh… chủ yếu do những người thu lượm ve chai, công nhân vệ sinh môi trường nhặt thực hiện.

tm-img-alt
Hiện tại Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội phối hợp một số đơn vị tổ chức chương trình phân loại rác tại nguồn, đổi rác lấy quà.

Hiện tại Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội phối hợp một số đơn vị tổ chức chương trình phân loại rác tại nguồn, tuy vậy kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình, chương trình phân loại rác tại nguồn, làm thì nhiều kết quả thu về chẳng là bao

Thực tế cho thấy, một mình ngành môi trường làm chưa đủ  mà cả xã hội làm cùng chính quyền, cùng vào cuộc thì việc phân loại rác tại nguồn mới đi vào cuộc sống hàng ngày.

Có thể thấy, phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, Hà Nội nói riêng và các đô thị của nước ta nói chung sẽ ngày càng đông hơn, chật hơn, những khoảng không gian gần với thiên nhiên bị giảm đi trong khi nhu cầu sống của con người ngày càng tăng thêm. Giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt là đã góp phần mở rộng không gian sống, cải thiện môi trường sống cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường cho toàn thế giới. Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải sinh hoạt là việc mà nhiều quốc gia đã làm được. Để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại thì quy trình quản lý rác thải cũng phải phù hợp với định hướng đó.  

Bài toán phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội vẫn chưa có lời giải cuối cùng. Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải và xử lý rác tái chế. Ngày 23/4, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình “Quản lý, phân loại rác thải tái chế nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”.

Theo đó, URENCO và PRO Việt Nam hợp tác xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy mô hình phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tái chế trên địa bàn Hà Nội; xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông: Thiết kế, tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn phương pháp phân loại rác tại nguồn; từ đó thay đổi thói quen, hành vi cho cộng đồng trong việc phân loại, thu gom rác thải tái chế.

Đồng thời, hai bên xây dựng mạng lưới kết nối giữa các đơn vị thu gom, vận chuyển – đơn vị tái chế trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn…

PRO Việt Nam hiện có 18 thành viên là chủ sở hữu thương hiệu và nhà sản xuất bao bì, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ hàng đầu trong ngành thực phẩm, đồ uống.

Đồng hành với dự án trên, tháng 9/2021, Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và PRO Việt Nam phối hợp triển khai Chương trình Truyền thông “ Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.

Chương trình sẽ phối hợp chặt chẽ với các Công ty môi trường Đô thị, các sở ngành liên quan, người dân, học sinh các trường học trên địa bàn 5 Thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Hy vọng với việc thực hiện chương trình truyền thông và phân loại rác sử dụng và tái chế quy mô toàn quốc nói trên sẽ tạo động lực thiết thực đến người dân ngày càng hiểu rõ giá trị của việc phân loại rác tại nguồn, tạo vật liệu đầu vào cho ngành tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn ./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích