Phân loại chất thải rắn thành 2 loại: Dễ thực hiện, tiện thu gom

Phân loại chất thải rắn thành 2 loại: Dễ thực hiện, tiện thu gom

Hà Thắm –  Thứ ba, 28/12/2021 08:46 (GMT+7)

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thành 2 loại thay vì 3 loại như trước đây. Cách phân loại này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân cũng như đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, xử lý chất thải.

Như đã biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện này là thành phố có lượng CTRSH lớn nhất cả nước. Đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn sẽ là một trong những phương án giúp Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết hiệu quả bài toán về CTRSH. 

Phân loại CTRSH thành 2 loại thay vì 3 loại như trước đây

Trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH phải phân loại thành 3 loại: Loại chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); Loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và loại chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

TP.HCM: Phân loại chất thải rắn thành hai loại thay vì ba loại như trước
Cách phân loại rác thành 3 loại: hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện từ năm 2018.

Từ tháng 5/2021, người dân thành phố sẽ thực hiện phân loại CTRSH thành 2 loại thay vì 3 loại như trước kia. Quy định mới này nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, cơ quan quản lý và các đơn vị thu gom, xử lý CTRSH. Việc phân loại, lưu trữ, tần suất thu gom CTRSH như trên được thực hiện theo quy định tại Quyết định 09/2021/QĐ-UBND, cụ thể như sau: cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý, thành 02 nhóm (loại) như sau: Loại có khả năng tái sử dụng, tái chế (có thể gọi là phế liệu như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và loại còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại và các loại chất thải khác phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải).

Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn các thiết bị lưu chứa CTRSH trước nhà chờ chủ thu gom, vận chuyển CTRSH đến lấy trong khoảng thời gian quy định (khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp). Khi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, cá nhân, hộ gia đình có thể chuyển giao (bán, tặng) nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế cho chủ thu gom, vận chuyển CTRSH hoặc cá nhân, cơ sở thu mua chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở tái sử dụng, tái chế xử lý.

tm-img-alt
Hiện tại,Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phân loại rác thành hai loại. Hai loại thùng thu gom CTRSH được dán nhãn rõ ràng “Chất thải tái chế” và “Chất thải còn lại” để người dân dễ nhận biết.

Một người dân tại Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc đặt 3 thùng rác trong nhà như trước đây vừa tốn diện tích, gây bất tiện trong sinh hoạt và rất phức tạp trong việc phân loại rác bỏ vào các thùng tương ứng. Vì vậy, nhiều thời điểm các hộ gia đình đã không thiết tha với việc phân loại rác. Nay, chỉ việc phân loại thành 2 loại rác khác nhau sẽ dễ thực hiện hơn rất nhiều, chắc chắn các gia đình sẽ thực hiện nghiêm túc hơn.

Theo quyết định mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh về việc phân loại rác, tùy điều kiện kinh tế – xã hội, công nghệ xử lý CTRSH của Thành phố, UBND Thành phố sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện.

CTRSH tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật. Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) CTRSH sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau: bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ; bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

Việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH phải tuân thủ hướng dẫn chi tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy để chứa CTRSH sau phân loại, khuyến khích sử dụng túi ni-lông dễ phân hủy, bao bì thân thiện môi trường để thay thế các túi ni-lông khó phân hủy.

Đại diện lãnh đạo phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức cho biết, do Thủ Thiêm là đô thị mới, có nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được xây dựng nên ngay từ đầu phường đã làm việc với ban quản lý, các đơn vị liên quan tuyên truyền cho dân cư khu vực thực hiện bảo vệ môi trường, trong đó có công tác phân loại rác tại nguồn thành 2 loại theo chỉ đạo mới của UBND Thành phố. Đến nay đã có 100% số hộ dân thực hiện quy định này.

Có thể thoả thuận tần suất thu gom rác thải phù hợp

Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là một ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu từ một đến hai ngày/lần. Tùy vào đặc điểm dân cư từng khu vực, điều kiện cung ứng dịch vụ thực tế và ý kiến của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, UBND phường, xã, thị trấn quy định tần suất thu gom phù hợp.

Về giá dịch vụ thu gom tại nguồn do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành áp dụng cho tần suất thu gom tối thiểu một lần/ngày. Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH có thể thỏa thuận tăng tần suất thu gom và trả thêm chi phí dịch vụ này cho chủ thu gom, vận chuyển. Thỏa thuận này được thống nhất trong hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn giữa các bên.

Chia sẻ với báo chí, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ Môi trường – Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Citenco) cho biết: Đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, việc phân rác thành 2 loại giúp dễ dàng thực hiện, không phải đầu tư thêm thiết bị, phương tiện. Không chỉ vậy, phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom. Việc này sẽ tạo thêm nguồn thu nhập không chỉ cho chủ nguồn thải, hộ gia đình mà còn mang lại giá trị kinh tế cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý. Từ đó, tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu hồi, tái chế, tiến đến hình thành trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Được biết, Citenco đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Dự án nhận được sự đồng hành của Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), nhằm mục đích quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích