Phân loại cây xanh bị gãy, đổ để cứu cây

Sáng nay (8/9), dạo một vòng quanh các tuyến phố ở Thủ đô mới thấy hết sự thiệt hại do bão gây ra. Cây cối đổ ngổn ngang từ các tuyến phố đến các công viên, khuôn viên khu dân cư. Cây cổ thụ đổ, gãy cũng có; cây mới trồng bị đổ cũng có. Trong đó, không ít cây khi bị đổ, tận mắt nhìn mới thấy không có rễ. Nhiều người kinh doanh mặt phố cho biết, khi sửa chữa, làm mới vỉa hè, các công nhân, người lao động trong quá trình thi công đã chặt, cưa hết rễ để lát vỉa hè (nếu không cưa, chặt vỉa hè sẽ không bằng phẳng), nên khi bão đến, cây bị đổ vì không có rễ; lại có cả những cây mới trồng bị đổ, bật gốc mà bạn đọc phản ánh là còn nguyên cả túi nilon bọc ở phần rễ cây… Đây là những vấn đề chắc chắn tới đây, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ.

Phân loại cây xanh bị gãy, đổ để cứu cây
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn Thành phố, trong đó chỉ đạo về vấn đề xây xanh bị gãy, đổ trên tinh thần “Cây nào cứu được phải hết sức cứu; cây nào dựng lại được phải dựng lại” .

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm là phải khắc phục việc cây xanh đổ, gãy một cách khoa học. Không nên “đánh đồng” cứ đổ là cưa; cứ đổ nhổ gốc “dọn sạch”. Vì để có được một cây xanh, với tư cách là một “tế bào” của lá phổi tạo môi trường xanh, môi trường sống cho người dân trong bối cảnh đô thị hóa ngày một tăng là không hề dễ dàng. Chính vì thế, trong chuyến kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn Thành phố vào hôm nay (8/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo: “Đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu; cây nào dựng được phải dựng lại để chăm sóc. Bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ. Vì trồng được một cây xanh không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian”.

Từ chỉ đạo thể hiện tầm nhìn và nhìn đúng thực trạng của đồng chí Bí thư Thành ủy, rất mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng triển khai một cách nghiêm túc chỉ đạo của người đứng đầu Đảng bộ Thành phố, nhanh chóng vào cuộc, vừa khắc phục hậu quả tình trạng cây gãy, đổ để đảm bảo an toàn giao thông, vừa phân loại, đánh giá tình trạng gãy đổ để “cứu cây”. Tinh thần chung, cây nào có khả năng dựng lại được phải dựng lại; cây nào có thể chỉ cưa cành để gốc tự châm chồi thì cưa. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”, lấy lý do cây đổ, gãy “cưa tất”, “dọn tất”, như vậy vừa ảnh hưởng đến ngân sách (chi ngân sách cho trồng mới), vừa ảnh hưởng đến độ che phủ phố phường, nhất là khi hè về.

Phân loại cây xanh bị gãy, đổ để cứu cây
Tập thể cán bộ, người lao động Bệnh viện Đại học Y dựng lại cây bị đổ (Ảnh: FB Nguyễn Lân Hiếu).

Được biết, ngay trong sáng nay, trên trang cá nhân của Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – ông Nguyễn Lân Hiếu đã post ảnh cây bị đổ chia sẻ với cộng đồng, cách giúp khắc phục lại cây đổ mà không phải cưa, bỏ. Ngay trong chiều nay, một số cây xung quanh khuôn viên Bệnh viện Đại học Y 2 cơ sở đã được khắc phục.

Bảo vệ cây chính là bảo vệ môi trường sống. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây nói chung, và thời hiện tại càng phải nâng cao ý thức trong việc phân loại cây xanh bị ngã, đổ theo đúng tinh thần mà Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo: “Bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ”!

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích