Phản hồi thông tin kiến nghị chế độ trợ cấp bệnh binh tại tỉnh Thái Bình

Bệnh binh Nguyễn Ngọc Khuynh sau gần 35 năm vẫn đang mòn mỏi chờ ngày được đi giám định lại Y khoa

Mới đây, Tạp chí điện tử hoanhap.vn nhận được phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Khuynh, sinh ngày 24/6/1950, sinh sống tại thôn Ngũ Lão, xã Hoà Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Về việc ông Khuynh bị cắt chế độ bệnh binh từ năm 24/7/1987 đến nay vẫn chưa được giám định y khoa lại theo quy định, mặc dù đã nhiều năm gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo nội dung phản ánh: Tháng 5/1972 ông Khuyh được Nhập ngũ vào lực lượng Quân đội Nhân Dân Việt Nam, tham gia chiến đấu tại chiến trường Miền Nam, sau đó tham gia quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông giữ chứ vụ: Trung đội phó, cấp bậc: Thượng sĩ, trong thời gian chiến đấu ông Khuynh do sức khoẻ suy nhược, và nhiều bệnh tật trong thời gian đang phục vụ trong Quân ngũ, Ngày 2/1/1981 ông đã được Hội đồng Y khoa Quân Đội Nhân Dân Việt Nam giám định thương tật, mất sức lao động và được hưởng chế độ bệnh binh 2.

Theo ông Khuynh trình bày, do mất sức lao động, sức khoẻ không đảm bảo, ông đã xin xuất ngũ sau thời gian công tác 9 năm 2 tháng trong lực lượng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và được hưởng chế độ bệnh binh do mất sức lao động từ ngày 1/7/1981.

Đến 24/7/1987, ông được sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đưa đi giám định lại Y khoa có tỷ lệ mất sức lao động dưới 40%, theo quy định không được hưởng trợ cấp mất sức lao động.

Ông trình bày, theo Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về Thương binh và Xã hội. Về việc giám định lại đối với các trường hợp bệnh binh “Hai năm một lần bệnh binh được đi giám định lại sức lao động tại Hội đồng Y khoa. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định Y khoa, Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ quyết định việc ngừng hoạc tiếp tục hưởng trợ cấp bệnh binh. Nếu sau giám định lại, tỷ lệ mất sức lao động chỉ còn ở mức 40% thì thôi hưởng trợ cấp bệnh binh”.

Nhưng từ năm 1987 đến nay, căn cứ theo Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng thì hai năm một lần sẽ được đi Giám dịnh lại Y khoa, trong khi đó bản thân ông từ năm 1987 đến nay, mặc dù nhiều lần kiến nghị gửi đơn thư lên các Sở, Ban, Ngành liên quan, chính quyền các cấp, nhưng đều không được sự hồi âm và không được đi Giám định lại Y khoa theo quy định.

Ông rất mong các cơ quan chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình trả lời tình trạng của ông từ năm 1987 đến nay nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp liên quan nhưng không được đi Giám định Y khoa theo quy định, để làm thủ tục hưởng lại chế độ bệnh binh theo Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội.

Sau khi nghiên cứu đơn thư, hồ sơ và sự phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Khuynh, ngày 03/07/2023, Tạp chí điện tử Hoà Nhập đã có công văn số 86/2023/CV-ĐTHN chuyển đơn (kèm hồ sơ) của Bệnh binh Nguyễn Ngọc Khuynh đến tỉnh Thái Bình.

Sau đó, ngày 20/07/2023, Tạp chí điện tử Hòa nhập nhận được văn bản số 3366/SLĐTBXH-NCC của sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Thái Bình phúc đáp về việc ông Nguyễn Ngọc Khuynh bị thôi trợ cấp bệnh binh 2, do Phó giám đốc Nguyễn Văn Trường KT Giám đốc như sau:

Về nội dung dừng chi trả trợ cấp đối với ông Nguyễn Ngọc Khuynh.

Hồ sơ lưu trữ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình thể hiện: Ông Nguyễn Ngọc Khuynh, sinh năm 1950, nguyên quán: xã Hoà Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, được hưởng trợ cấp bệnh binh, tỷ lệ mất sức lao động 61% theo Quyết định số 29/MS ngày 05/06/1981 của Đoàn 589.

Ngày 18/9/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 236/HĐBT quy định về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội: Tại thông tư 48/TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và xã hội về hưỡng dẫn thực hiện Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc giám định lại đối với các trường hợp bệnh binh như sau: “ Hai năm một lần, bệnh binh được đi giám định lại tại Hội đồng giám định Y khoa, Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xà hội sẽ quyết định việc ngừng hoặc tiếp tục hưởng trợ cấp bệnh binh. Nếu giám định lại tỷ lệ mất sức lao động chỉ còn 40% trở xuống thì thôi hưởng trợ cấp bệnh binh”.

Theo đó, ngày 24/7/1987, Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Thái Bình có biên bản giám định Y khoa số 24/GĐYK kết luận ông Nguyễn Ngọc Khuynh có tỷ lệ mất sức lao động 30% (dưới 40%). Căn cứ vào biên bản giám định Y khoa của Hội đồng Y khoa tỉnh Thái Bình, sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã dừng thực hiện chi trả trợ cấp bệnh binh đối với ông Nguyễn Ngọc Khuynh từ ngày 10/01/1988 là đúng quy định chính sách.

Về nội dung kiến nghị giám định lại sức lao dộng đối với ông Nguyễn Ngọc Khuynh.

Thông tư 48/TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Thông tư 30-TT/LB ngày 22/11/1985 của liên Bộ Y tế-Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức giám định lại sức lao động đối với quân nhân hưởng trợ cấp bệnh binh, không quy định việc giám định lại sức lao động đối với các trường hợp đã phục hồi sức lao động. Hiện nay, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021của Chính phủ về biện pháp thi hành pháp lệnh Ưu đãi người có công không quy định về việc giám định về việc giám định lại sức lao động đối với trường hợp quân nhân đã dừng trợ cấp bệnh binh trước đó. Vì vậy chưa có cơ sở để giải quyết đề nghị của ông Nguyễn Ngọc Khuynh.

Về nội dung ông Khuynh gửi kiến nghị nhiều lần đều không nhận được sự hồi âm.

Với cùng nội dung đề nghị này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã có Công văn số 463/SLĐTBXH-NCC ngày 24/4/2014 và Công văn số 253/CV-LĐTBXH ngày 25/6/2001, Công văn số 2617/SLĐTBXH-NCC ngày 28/7/2021 để trả lời ông Nguyễn Ngọc Khuynh. Đồng thời, ngày 20/12/2022, lãnh đạo sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp và có thông báo ý kiến kết luận số 147/TB-SLĐTBXH của Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đối với ông Nguyễn Ngọc Khuynh.

Trước những trả lời trên của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ông khuynh phản ánh thêm: Trong biên bản giám định Hội đồng giám định y khoa Quân đội nhân dân Việt Nam ghi rõ phiên họp ngày 02/1/1981 tại Đoàn 44 có ghi tình trạng thương tổn: sốt rét tái phát; suy nhược cơ thể; viêm đường tiết niệu 2 bên; viên phế quản mãn. Mất sức lao động 61%, ngày 24/6/1981 ông được đơn vị 589 Quân đội nhân dân Việt Nam giới thiệu đến Sở Thương binh Xã hội tỉnh Thái Bình xin làm các thủ tục mất sức và hưởng chế độ chính sách bệnh binh.

Đến 24/7/1987 tỉnh Thái Bình đã đưa ông đi giám định lại với tình trạng thương tổn chỉ ghi: “viêm phế quản; viêm mũi thường, thuộc hạng C(30%), theo quy định: Ngừng trợ cấp”.

Đặc biệt biên bản Giám định lại y khoa về khả năng lao động năm 1987 của ông lại ghi: “Đã nghỉ mất sức từ tháng 7/1982, chứ không phải nghỉ mất sức từ tháng 7/1981″ Nên liệu có phải Hội đồng giám định y khoa tỉnh Thái Bình chỉ giám định qua loa rồi gây ảnh hưởng mất quyền lợi những người bệnh binh trong kháng chiến trở về hay không, hay là sự thiếu chuyên nghiệp về giám định y khoa cho những cá nhân bệnh binh như ông?

Bên cạnh đó ông cũng thông tin thêm: Từ lúc giám định lại y khoa của Hội đồng Y khoa tỉnh Thái Bình cho đến nay, mặc dù ông đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp có thẩm quyền xin được đi giám định lai y khoa, nhưng tất cả các cơ quan có thẩm quyền, sở lao động-Thương binh và Xã hội đều không cho bản thân ông đi giám định lại tổn thương và chỉ trả lời bằng các văn bản là “Theo quy định giám định y khoa 1987 dưới 30% tổn thương nên không được hưởng trợ cấp bệnh binh”.

Theo ông Khuynh, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm những đối tượng có công, không để những người có công bị thiệt thòi. Với những ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Tỉnh Thái Bình cần quan tâm hơn nữa đến những người từng đổ xương máu nơi chiến trường như ông, gia đình chính sách, làm sao để cá nhân, gia đình những người thân họ đã hy sinh xương máu nơi chiến trường giành lại sự độc lập hoà bình ổn định như ngày hôm nay cảm thấy những hy sinh xương máu đó được chính quyền các cấp luôn quan tâm, ghi nhớ.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích